Ly hương lập nghiệp được xem là thực trạng khá phổ biến của thanh niên nông thôn hiện nay. Thay vì vậy, nhiều thanh niên trên địa bàn huyện Châu Thành lại lựa chọn lập nghiệp ngay trên quê hương của mình. Nhằm tạo đòn bẩy cho thanh niên khởi nghiệp, Huyện đoàn Châu Thành có những hỗ trợ thiết thực, xây dựng được nhiều mô hình khởi nghiệp hiệu quả.
LÀM GIÀU TRÊN QUÊ HƯƠNG
Mong muốn tạo dựng sự nghiệp ngay tại quê nhà, anh Đặng Minh Tiến ở ấp An Phú, xã An Nhơn quyết tâm khởi nghiệp với mô hình trồng mít. Được Đoàn thanh niên xã An Nhơn hỗ trợ cây giống và hướng dẫn kỹ thuật, sau 8 tháng trồng, vườn mít của anh Tiến phát triển tốt. “Khởi nghiệp làm vườn tuy hiệu quả kinh tế không lớn lắm nhưng tiện lợi là mình có thể chăm sóc gia đình và gầy dựng sự nghiệp ngay trên quê hương” – anh Đặng Minh Tiến chia sẻ.
Cùng chung suy nghĩ khởi nghiệp trên quê hương, anh Nguyễn Thành Trí (SN 1993) ở ấp An Phú, xã An Nhơn quyết tâm khởi nghiệp với mô hình nuôi ốc giống và kinh doanh ốc thương phẩm. Anh Trí tâm sự, anh tốt nghiệp ngành quản lý đất đai, làm công tác địa chính tại tỉnh Tiền Giang một thời gian rồi quyết định về quê tự làm kinh tế. Bởi theo anh, nếu mình biết khai thác lợi thế địa phương sẽ sống được ngay trên quê hương ruột thịt. Sau hơn 2 năm khởi nghiệp, đến nay kinh tế của anh Trí ổn định với nguồn thu nhập khoảng 30 triệu đồng/tháng, giúp anh có điều kiện chăm lo cho gia đình.
Anh Trí tâm sự: “Khởi nghiệp ngoài đam mê, nhiệt huyết cần phải nhạy bén nắm bắt thị trường để xây dựng chiến lược phù hợp. Chẳng hạn, đối với mô hình nuôi ốc này, lúc đầu, tôi chỉ bán ốc giống nhưng khi khách hàng của tôi bắt đầu nhân giống được và cần tìm đầu ra tiêu thụ ốc thương phẩm là tôi “nhảy” qua thu mua để tạo một vòng tuần hoàn giúp mô hình kinh doanh của mình đạt hiệu quả”.
Theo đánh giá của chị Nguyễn Thị Hồng Muội – Bí thư Huyện đoàn Châu Thành, mô hình khởi nghiệp của anh Trí bước đầu mang lại hiệu quả, hiện có một số nơi học tập kinh nghiệm, nhân rộng và đều đạt hiệu quả. Vấn đề quan trọng trong khởi nghiệp của thanh niên nông thôn không chỉ là nguồn vốn mà còn phải có lòng đam mê, kiến thức khoa học – kỹ thuật. Trên thực tế, nhiều thế mạnh tại nông thôn có thể áp dụng để đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp…
THANH NIÊN ỔN ĐỊNH KINH TẾ – YÊN TÂM HOẠT ĐỘNG ĐOÀN
Bên cạnh công tác hướng nghiệp, những năm qua, Huyện đoàn Châu Thành còn tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm của Trung ương Đoàn để hỗ trợ hàng trăm mô hình thanh niên đạt hiệu quả. “Chỉ khi nào thanh niên, đoàn viên vững vàng về kinh tế thì mới có động lực, điều kiện để hoạt động, cống hiến tốt. Công tác Đoàn trong bối cảnh hiện nay cần phải đi vào thực chất, tạo được sự tin cậy và đồng hành của đoàn viên, thanh niên”, chị Muội chia sẻ.
Huy động thanh niên tham gia mô hình Câu lạc bộ dịch vụ lễ cưới của Đoàn thanh niên xã Tân Nhuận Đông là điểm sáng mang lại nguồn thu nhập ổn định cho đoàn viên, thanh niên. Theo đó, mô hình này tập hợp các dịch vụ cổng cưới, nấu ăn, in thiệp, nhạc sống… Các thành viên hỗ trợ nhau phục vụ tốt các hoạt động lễ cưới. Với hơn 30 đoàn viên tham gia, cả “ê kíp” góp phần giúp thanh niên nông thôn có thu nhập ổn định, từ đó tích cực tham gia các hoạt động Đoàn.
Theo anh Trang Phan Hoàng Vĩnh – thành viên Câu lạc bộ dịch vụ lễ cưới thanh niên Tân Nhuận Đông, nhờ tham gia Câu lạc bộ với vai trò in thiệp cưới giúp anh mang lại nguồn thu nhập ổn định. Trung bình, mỗi tháng, anh thu nhập từ 6-10 triệu đồng. Chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền – Bí thư Xã đoàn Tân Nhuận Đông cho rằng, trong điều kiện kinh tế hiện nay, việc huy động thanh niên tham gia các hoạt động khá khó khăn. Tuy nhiên, khi mô hình này đi vào hoạt động đã giải quyết tốt bài toán kinh tế nên thanh niên an tâm, sẵn sàng tham gia các công trình, phần việc do đoàn phát động, góp phần phát triển hiệu quả phong trào thanh niên tại địa phương.
Có thể nói, khởi nghiệp ở nông thôn chưa bao giờ là dễ dàng, phải đối diện với nhiều gian nan, thử thách. Tuy nhiên, từ những câu chuyện thực tế của thanh niên huyện Châu Thành có thể thấy rằng, khởi nghiệp khó hay dễ là do cách nghĩ, cách làm và quyết tâm của đoàn viên, thanh niên. Tuy nhiên, để chặng đường khởi nghiệp của thanh niên vững vàng hơn rất cần sự đồng hành, trợ lực từ tổ chức Đoàn, các cấp, các ngành và cộng đồng…
Theo MN – Báo Đồng Tháp