10.3 C
New York
Thứ năm, 21 Tháng mười một 2024

Buy now

spot_img

Ướp hồn sen vào hương lúa mới

Chuyện trồng sen, chết sống với sen của anh Lê Văn Bo có nói hoài cũng không hết. Chín năm với nghề của anh thì không thể gom vào một ngày, một buổi.

Đồng Tháp được mệnh danh là đất sen hồng.
Đồng Tháp được mệnh danh là đất sen hồng.

Sau một thời gian dài tăng vụ sản xuất, những “đầm sen nở trắng, nở hường” ở Đồng Tháp ngày một mai một. Mãi đến năm 2005 thì cây sen mới được chú ý và được nhiều người dân Đồng Tháp tổ chức gieo trồng vì giá trị kinh tế do chính sen mang lại. Không những vậy, những giá trị phi vật thể của sen cũng đã làm cho vùng đất Đồng Tháp tự hào là vùng đất sen hồng.

Tuy nhiên yêu sen, trồng sen và đeo đuổi với sen bằng cả tâm huyết thì không phải ai cũng có được. “Gian nan lắm anh à, chín năm theo với cái nghề sen này là chín năm tôi không biết mấy lần rơi nước mắt vì cái tính lên xuống thất thường của thị trường”. Người đàn ông bốn mươi hai tuổi đời nhưng lại sở hữu hơn 60ha diện tích sen trồng ở Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh bắt đầu bằng một lời than vãn như vậy. Chừng như, với nông nghiệp hiện nay của chúng ta thì cái điệp khúc “được mùa rớt giá” vẫn còn đeo đẳng rất lâu mới khỏi được.

Anh Lê Văn Bo khởi nghiệp nghề sen của mình bằng mười công đất. “Cũng đất mướn của bà con ở đây thôi chớ tôi có cục đất chọi chim nào đâu. Ông bà mình nói có chí làm quan, có gan làm giàu. Mình không có chí thì có gan vậy. Bà xã tôi đắn đo khi tôi đem chuyện trồng sen ra bàn nhưng thấy tôi cương quyết nên cũng xiêu”.

Với anh Bo, mà người dân ở đây quen gọi anh là Bo Sen, thì cây sen coi vậy mà thất thường lắm! “Ở cái xứ này cũng có vài hộ trồng rồi bỏ cây sen trồng quay lại với cây lúa cho ăn chắc mặc bền. Mà nghĩ thử cái thứ cây gì mà cũng lạ. Mọc hoang ở ngoài các ao đầm thì sống khỏe còn khi mình đem lên ruộng trồng chăm sóc phân thuốc đàng hoàng thì cứ hết bệnh này tới dịch kia”. Nhưng bệnh dịch với anh Bo Sen không đáng ngại bằng việc sản phẩm làm ra không có thị trường.

Anh Lê Văn Bo khởi nghiệp với sen.

Đất vừa trục xong, con giống vừa đặt xuống thì anh đôn đáo chạy tìm đầu ra. “Phải tính trước chớ anh. Đợi sen thu hoạch mới kiếm người mua thì có nước mà ôm sô. Hạt sen lụa hái vô bữa trước bữa sau không bán được. Nó ngả màu đen xỉn là coi như bỏ đi!”. 60ha trồng sen của anh phải thuê đất mỗi năm 2 triệu đến 3 triệu/ha tùy theo vị trí đất nên phải lo đầu ra là đúng rồi. “Nhưng tôi có cách trồng sen của mình. Cứ rải vụ ra mà trồng quanh năm thì cũng không sợ dồn hàng, đọng hàng, ứ hàng”.

Chuyện trồng sen, chết sống với sen của anh Lê Văn Bo có nói hoài cũng không hết. Chín năm với nghề của anh thì không thể gom vào một ngày, một buổi. Cái chính gặp anh là muốn hỏi về chuyện sản xuất ra rượu sen với thương hiệu Lê Bo – Hương Gáo Giồng mà anh đang ấp ủ hơn cả năm trời nay. Chừng khi nghe tôi đề cập tới chuyện rượu sen thì anh Bo Sen như quên hết mọi đắn đo, trăn trở khác.

“Hạt sen ngoài ruộng hái bán liền không được sẽ bị khô dần. Chỉ vài ngày nám vỏ là không ai mua. Chẳng lẽ lúc đó mình hái bỏ. Vậy là tôi đem về ngâm rượu thử. Thoạt đầu ngâm thử chục lít để đãi bạn bè tới chơi. Sau đó thấy ai uống cũng tấm tắc khen được nên tôi quyết định mần đại trà”.

Nghĩ là làm. Lê Văn Bo quyết định cái rụp như chín năm trước anh quyết định mướn đất trồng sen. Chỉ tội cho bà vợ cứ thút thít vì lo mất vốn: Ổng muốn làm thì có trời xuống mới cản được.

Nói làm là làm. Anh Bo Sen mua về một lúc mấy chục cái lu kiệu. Mỗi cái đựng được hàng trăm lít rượu. Hạt sen già thì mặc kệ cho nó già. Không ai mua mình đem vào ngâm rượu ráo trọi hết. Anh Bo Sen tỉnh queo nói.

Rồi anh kể tiếp: Chín tháng trời, tiền rượu đã hơn năm chục triệu rồi đó. Còn hạt sen thì khoảng hai tấn. Chưa kể cả tấn bông sen và nhụy sen. Rồi mật ong nguyên chất nữa. Tất cả dồn cho rượu hết. Xứ mình gạo có sẵn. Nấu ra rượu rồi thì sao mình lại không nâng tầm cho rượu gạo của mình bay xa, lan xa. Mà mình ngâm càng lâu, rượu càng ngon và càng có giá trị chớ lo gì. Đảm bảo chất lượng nghe. Sen thì sen sạch, không dùng phân vô cơ, không bị dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Rượu thì cũng được kiểm định đàng hoàng lại nấu bằng men nấm Linh Chi nữa nên cũng có hương vị đặc biệt.

Anh Bo Sen đã lo xong thủ tục kiểm nghiệm cho thương hiệu Rượu sen Lê Bo – Hương Gáo Giồng sẽ ra mắt trong vài tháng tới. “Có thương hiệu rồi thì mình đi chào hàng cũng dễ. Nói vậy chớ cả tháng nay đã có vài ba khu du lịch lấy rượu của tôi về và đóng chai thương hiệu của họ để bán ra cho khách rồi đó. Nhưng làm ăn theo cách vỏ của người ta, ruột của mình thì mai mốt tôi phải tính lại mới được. Chỉ lo là họ lấy rượu của mình rồi pha trộn thêm thì hư bột hư đường hết”.

Nói về rượu rồi nói về ước mơ, anh Sen Bo không giấu giếm một ý tưởng khác vì lợi ích cộng đồng của mình: Tôi đang nghĩ cách làm sao mình tạo ra một cái máy để ép lá sen khô thành các túi đựng đồ thay cho các bao ni lông đang dùng một lần rồi bỏ gây ô nhiễm môi trường như hiện nay. Mà nói gì thì nói, chờ xong Lễ ra mắt Tổ hợp tác Sen Gáo Giồng và thương hiệu rượu sen cái đã rồi tính tiếp.

Còn du lịch à? Tôi lại nhớ câu nói của ông Sáu Sen (tức nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan) trong diễn đàn Mekong Connect 2017: Người Đồng Tháp không yêu sen bằng người ngoài Đồng Tháp. Câu nói đó cứ ray rứt tôi hoài. Mình phải yêu sen, yêu chính sản phẩm mình làm ra trước mới được. Tôi sẽ có chiến lược làm du lịch cho riêng mình. Du lịch thuần khiết như hồn sen theo cách của tôi mà nói như một ai đó từng khuyên: Làm đúng lại cái đã sai, làm tốt hơn cái đang làm tốt, làm cho có cái chưa có. Mà chuyện này chắc năm tới nữa khi hai miếng đất rộng 100 công và 40 công tôi vừa mới mướn xong định hình thành một ruộng sen cái đã. Xin bí mật đến phút cuối.

Người nông dân Cao Lãnh muốn làm ra những sản phẩm độc đáo từ sen.
Người nông dân Cao Lãnh muốn làm ra những sản phẩm độc đáo từ sen.

Hữu Nhân – Báo Nông Nghiệp

0/5 (0 Reviews)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tin mới