Tận dụng những phế phẩm nông nghiệp tưởng chừng chỉ có thể bỏ đi, nhiều bạn trẻ Đồng Tháp đã có giải pháp biến chúng thành các sản phẩm có ích trong cuộc sống, tạo ra nhiều giá trị mới trong nông nghiệp…
Biến phụ phẩm sen thành sản phẩm có giá trị
Nuôi dưỡng ý tưởng tăng giá trị cây sen của quê hương, bạn Ngô Ngọc Anh (SN 1995) ở xã Mỹ Tân, TP.Cao Lãnh tìm cách “biến” vỏ gương sen thành các loại nhang sen không hóa chất và được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.
Chia sẻ về quá trình khởi nghiệp của mình, Ngọc Anh cho biết, là một người con Đồng Tháp nên Ngọc Anh luôn có một tình yêu mãnh liệt với cây sen. Chính vì vậy, ngay khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, Ngọc Anh đã thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học về chuỗi giá trị từ sen để mong hiểu và tận dụng được hết những giá trị của loài cây này.
“Qua quá trình tìm hiểu, em nhận thấy gương sen (sau khi tách hạt) là nguồn nguyên liệu sở hữu giá trị kinh tế cao, có thể nghiền ra làm bột nhang. Trong khi tại quê hương nguồn nguyên liệu này chưa được tận dụng triệt để, sản lượng vỏ gương sen bỏ đi hàng chục tấn mỗi năm. Chính vì vậy, em quyết định nghiên cứu khởi nghiệp làm nhang sen mang hương vị đặc trưng của Đồng Tháp đi khắp cả nước…” – Ngọc Anh nhớ lại.
Từ những lần thất bại đầu tiên, đến năm 2017, sản phẩm “Nhang sen Liên Tâm” của Ngọc Anh đã hoàn chỉnh, được giới thiệu ra thị trường. Với ưu điểm ít khói, có mùi thơm nhẹ và không hóa chất, sản phẩm nhang sen của Ngọc Anh được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh lựa chọn. Hiện mỗi tháng, Ngọc Anh cho ra thị trường từ 200-300 hộp nhang sen, ngoài cung ứng cho khách hàng tại Đồng Tháp, Ngọc Anh còn cung cấp hàng cho các đại lý tại An Giang, TP.Hồ Chí Minh, Vũng Tàu…
Có thể nói, với tinh thần dám nghĩ dám làm cùng với tình yêu mãnh liệt đối với cây sen, Ngọc Anh đã tạo ra những nguyên liệu không tốn nhiều chi phí nhưng mang lại giá trị vô cùng hữu ích trong cuộc sống. Với sản phẩm của mình, Ngọc Anh mong muốn có thể nâng tầm giá trị cây sen của quê hương, đồng thời truyền cảm hứng “sống xanh” đến mọi người…
Tận dụng phế phẩm xoài nuôi ruồi lính đen
Cũng với tình yêu đối với quê hương, nhìn thấy một lượng phụ phẩm xoài trái ở địa phương khá lớn, kỹ sư (ngành môi trường) trẻ Võ Duy Khánh quyết định về quê tại thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh lập nghiệp với mô hình nuôi ruồi lính đen từ phụ phẩm xoài. Mô hình được đánh giá khá hiệu quả bởi vừa xử lý ô nhiễm môi trường, vừa tạo giá trị gia tăng cho những phụ phẩm nông nghiệp.
Anh Khánh cho biết, qua quá trình học tập, nghiên cứu, anh thấy giải pháp nuôi ruồi lính đen để xử lý rác thải làm phân cho hiệu quả cao nên anh quyết định thuê 5.000m2 đất thành lập trang trại chăn nuôi sinh học. Theo anh Khánh, hiện mỗi ngày, trang trại của anh xử lý khoảng 2 tấn phụ phẩm xoài, anh đang định đầu tư nâng lên công suất xử lý 4 tấn xoài phụ phẩm/ngày để đáp ứng nhu cầu sản xuất, chăn nuôi trong trang trại cũng như các sản phẩm bán ra thị trường.
Hiện sản phẩm chính tại trang trại của anh Khánh là gần 1.500 con gà nòi thịt được nuôi bằng ấu trùng ruồi lính đen theo quy trình sạch. Bên cạnh đó, lượng rác từ nuôi ruồi lính đen anh Khánh cũng tận dụng làm phân hữu cơ để bán cho các hộ trồng rau, cây kiểng. Với lượng rác khoảng 2 tấn/tháng, giá bán 13.000 -15.000 đồng/kg đã đem lại cho trang trại một nguồn thu nhập đáng kể. Ngoài 2 sản phẩm trên, thời gian gần đây, anh Khánh cũng đã nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm dịch thủy phân ruồi lính đen – một loại chế phẩm sinh học phục vụ trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi đã được giới thiệu và nhiều người tin dùng.
Có thể thấy, đối với sản phẩm xoài xuất khẩu, các công ty chỉ sử dụng hai bên má của quả xoài, phần phụ phẩm còn lại hàng trăm tấn mỗi ngày, nguồn phụ phẩm này, các công ty chưa có biện pháp xử lý phải đổ bỏ gây ô nhiễm môi trường. Với khả năng xử lý 2 tấn xoài/ngày, trang trại của chàng kỹ sư trẻ thực sự giúp đáp ứng được nhu cầu phát triển nông nghiệp xanh hiện nay và gợi cảm hứng để các thanh niên, nông dân khác khởi nghiệp theo hướng “sống xanh”, bảo vệ môi trường.
Ông Lê Minh Hùng – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đồng Tháp nhận định, nuôi ruồi lính đen để xử lý rác thải là một mô hình đáng trân trọng, Liên hiệp Hội luôn ủng hộ những hoạt động như thế này…
Theo MN – Báo Đồng Tháp