Ngày 20/12, Phiên thảo luận “Chuyển đổi chuỗi thủy sản Đồng bằng Sông Cửu Long hướng đến hiện đại, bền vững, phát thải thấp” có sự tham dự của lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, lãnh đạo các địa phương, Sở ngành, đại diện các Viện, Trường cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế về lĩnh vực thủy sản.
Ông Trần Đình Luân – Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Vương Quốc Nam – Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng, ông Lê Văn Sử – Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Cà Mau chủ trì phiên thảo luận.
Theo ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản, kim ngạch xuất khẩu ngành thủy sản năm nay ước đạt 11 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tôm, cá tra, cá ngừ đều tăng trưởng vượt bậc. Ngành thủy sản đạt thành tích ấn tượng nhưng cũng đứng trước không ít thách thức như: Biến đổi khí hậu toàn cầu, tình hình vật giá tăng cao, ảnh hưởng đến môi trường từ hoạt động nuôi trồng thủy sản v.v.. Từ những vấn đề trên, phiên thảo luận được tổ chức để các bên liên quan ngồi lại cùng nhau chỉ ra ưu điểm, hạn chế của ngành thủy sản. Từ đó, tìm ra giải pháp giúp ngành hàng thủy sản phát triển bền vững theo hướng hiện đại, phát thải thấp, đem lại lợi ích cho nông dân, doanh nghiệp.
Tại phiên thảo luận, ông Ngô Tiến Chương – Chuyên gia kỹ thuật cấp cao, Tổ chức hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) đã trình bày tham luận với chủ đề “Định hình nền kinh tế xanh trong phát triển Nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam”, ông Huỳnh Quốc Tịnh – Đại diện Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) trình bày tham luận chủ đề “Phát triển rong tảo biển bền vững, giảm phát thải”, ông Vũ Văn Vân – Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ OTANICS, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú trình bày tham luận chủ đề “Số hóa ngành thủy sản với nền tảng Tomota”.
Một trong những vấn đề cấp bách trong nuôi trồng thủy sản là xử lý chất thải ao nuôi. Theo đó, hiện có nhiều mô hình tận dụng chất thải ao nuôi để nuôi ruồi lính đen, trùn quế, rươi, nuôi cá tuần hoàn kết hợp trồng rau sạch v.v..
Với lượng chất thải từ hoạt động nuôi tôm và cá tra hiện nay khoảng 10 triệu tấn, nếu tận dụng tốt để nuôi ruồi lính đen có thể tạo ra ngành công nghiệp ruồi lính đen với doanh thu ước tính khoảng 1,5 tỷ USD.
Để ngành thủy sản chuyển đổi theo hướng “hiện đại, bền vững, phát thải thấp”, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh cùng chuyên gia đề nghị nhiều nhóm giải pháp như: Thay đổi cơ chế, chính sách khuyến khích tạo thuận lợi cho ngành thủy sản giảm phát thải; ứng dụng khoa học vào hoạt động nuôi trồng, chế biến; tập huấn nâng cao năng lực, nhận thức của nông dân về hoạt động nuôi trồng thủy sản v.v..
Để tăng giá trị xuất khẩu thủy sản đồng thời hướng đến sản xuất xanh, sạch đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó yếu tố môi trường trong hoạt động nuôi trồng thủy sản, giải pháp công nghệ ứng dụng trực tiếp vào sản xuất cần được ưu tiên hàng đầu.
Đặc biệt, cần xem xét các tiêu chí môi trường trong hoạt động nuôi cá tra, nuôi tôm thâm canh; xúc tiến liên kết giữa các tỉnh, thành để hình thành vùng nuôi trồng rộng lớn, từ đó thuận tiện quy hoạch, phát triển.
Thành Nhơn – Cổng Thông tin Đồng Tháp