Tôi ngồi nói chuyện với anh trong căn phòng dưới chân là thảm sợi chuối, trên trần là vô số đèn lồng bằng tơ chuối, đến ngay cả bộ bàn ghế cũng bằng sợi chuối.
Thanh long, chuối, mít dội chợ nhưng tơ chuối thì không
Anh Bùi Khánh Dũng – Giám đốc Công ty Musa Pacta bảo với tôi rằng tuổi thọ của các vật dụng này có thể lên tới 20 – 30 năm. Những cái đèn như tôi thấy ở đây trên thị trường thế giới đang bán 200 – 300 USD tương đương 5 – 7 triệu đồng, thậm chí có cái 600 – 800 USD tương đương 14 – 20 triệu đồng.
Khi có dịp đi từ thiện làm đường, xây trường cho các vùng sâu, vùng xa anh đau đáu câu hỏi làm sao để người dân ở đó bớt khổ. Xét cho đến cùng cái nghèo là sự bất đối xứng về thu nhập trong khi đó lại bình đẳng về chi tiêu của người dân ở các vùng miền. Thường xuyên sinh hoạt với các nhóm trợ giúp cho trẻ em đường phố anh cũng trăn trở về cách làm sao để bớt tình trạng người dân quê phải ly hương ra thành phố.
Thời gian ở Nhật Bản từ năm 2015 – 2019, anh thấy sợi tơ chuối có khả năng là một lối thoát cho người nghèo ở Việt Nam bởi từ Lũng Cú tới mũi Cà Mau đâu đâu cũng trồng được chuối, quanh năm có chuối. Không như Nhật Bản chuối chỉ trồng được một ít ở Okinawa – nơi nóng nhất, thế mà có khi 3 – 4 năm cũng không ra nổi buồng vì quá lạnh nên mới phải lấy sợi, mà cũng chỉ lấy được trong 2 – 3 tháng hè, còn phải nhập khẩu thêm.
Từ sợi chuối, người ta có thể làm đồ thủ công là dệt vải may áo bán rất đắt đến các hàng công nghiệp bí mật như làm giấy in tiền. “Thanh long, chuối, mít của ta đang dội chợ, áp lực của nông sản tươi đến kỳ không thu hái thì vứt còn sợi tơ chuối có thể để hàng năm được, lại tận dụng được nông nhàn. Hơn nữa thị trường quá rộng lớn khi thế giới đang có xu hướng giảm đồ nhựa thậm chí xóa bỏ đồ nhựa dùng một lần.
Lợi thế đầu tiên của sợi chuối đến ngay từ nguồn nguyên liệu, đó là thứ phụ phẩm vốn dĩ bị bỏ đi sau khi thu hoạch quả. Muốn có 1kg bông, hay đay, gai thì chúng ta cũng phải phá đất ra để trồng, phải chăm, phải chờ đợi, mất công, mất sức. Nhưng với sợi chuối không mất một m2 đất nào mà đã có sẵn hàng trăm ngàn ha, hàng trăm triệu tấn thân đang vứt đi hàng ngày, vừa gây ô nhiễm vừa dễ lây lan các bệnh cho cây chuối như Panama hay tuyến trùng. Thứ hai là tính ưu việt của sợi chuối vừa có tính kháng khuẩn, kháng mốc, vừa dai, bền, lại hút ẩm, thoáng mát gấp 6 – 10 lần so với bông.
Quy mô của ngành sợi chuối thế giới trị giá hàng chục tỷ USD, những hãng thời trang cao cấp như Dior, Yves Saint Laurent, Zara, Uniqlo, H&M… đều có các sản phẩm từ sợi chuối, vải sợi chuối. Mức độ tăng trưởng trong 10 năm gần đây của thị trường sợi tơ chuối ở mức từ 16 – 30%/năm”, anh thông tin.
Khi về nước, anh thử nghiệm xưởng sản xuất sợi chuối ở HTX Khai Thái (Phú Xuyên, Hà Nội) và đối diện với trở ngại chung là thiếu ngành công nghiệp phụ trợ. Bởi thế mà anh phải làm hầu hết các công đoạn, thậm chí phải cùng đầu tư Công ty Cơ khí chính xác GMF vì để tuốt được sợi tơ chuối nhỏ như sợi tóc đòi hỏi thiết bị phải có độ chính xác rất cao nếu không sẽ dễ bị đứt hay bị lẫn với các bẹ thịt.
Quy trình nghe qua tưởng chừng như đơn giản, thân chuối được thu gom về, bổ ra, tách lấy bẹ và đưa vào máy ép sợi. Sợi chuối được phân loại và đưa lên giàn, phơi khô, sau đó bó lại và đưa vào máy quay sợi nhưng anh phải mất 6 tháng để cho ra mẻ sợi đầu tiên.
Theo Báo Nông nghiệp