Tháp từ một tỉnh nghèo đã vươn lên top đầu chỉ số năng lực canh tranh cấp tỉnh (PCI) mấy năm liền với nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả.
Cuối năm 2020, tôi được Liên đoàn Lao động quận 5 mời tham gia đoàn famtrip về Đồng Tháp và Cần Thơ. Lâu nay, cứ tưởng famtrip chỉ dành cho các doanh nghiệp du lịch hoặc báo chí. Đoàn gồm 60 thành viên là lãnh đạo các đơn vị. Famtrip do một công ty du lịch trên địa bàn quận tài trợ.
Giữa khó khăn bủa vây vì đại dịch Covid-19, phải nói đây là cách làm táo bạo, khi dám bỏ vài trăm triệu đồng để kích cầu trực tiếp. Cả chủ tịch lẫn giám đốc công ty cùng sát cánh với hướng dẫn viên và hàng chục nhân viên tham gia phục vụ đoàn. Chương trình toàn điểm đến hấp dẫn, không mới nhưng độc bản. Đồng Tháp có Xèo Quít, đền thờ chủ chợ Cao Lãnh, Nam Phương Linh Từ, làng hoa kiểng Sa Đéc. Cần Thơ có Nhà Tím và Cồn Sơn.
Xẻo Quít là “Thủy đạo thép” không đâu có. Ông bà Đỗ Công Tường, chủ chợ Câu Lãnh ngày xưa (nay là Cao Lãnh), chủ chợ duy nhất ở Việt Nam được thờ trang trọng, là di tích văn hóa. Nam Phương Linh từ, đền thờ những người có công mở đất phương Nam, không phân biệt chính kiến, tôn giáo; chưa nơi nào làm được.
Làng hoa kiểng Sa Đéc, còn gọi là Tân Qui Động, vườn hoa kiểng ngoài trời với hàng ngàn loại hoa, kiểng; diện tích trên 300ha và gần 2.000 hộ dân tham gia. Căn Nhà Tím không đụng hàng. Cồn Sơn, vườn trái cây Nam bộ quanh năm trĩu quả, nơi cá lóc (cá tràu, cá quả) không “lóc” mà bay…
Ấn tượng nhất là tham quan “Cà phê Chủ tịch” trong khuôn viên trụ sở UBND tỉnh Đồng Tháp. Quán có tên là “Cà phê doanh nhân – doanh nghiệp”. Hàng tuần, thứ hai đến thứ bảy, từ 7h – 7h30, chủ tịch, các phó chủ tịch, văn phòng ủy ban sẽ “giao ban cà phê”. Doanh nghiệp và cả người dân có thể vào gặp gỡ lãnh đạo, uống cà phê miễn phí, trao đổi, đề đạt nguyện vọng, giải quyết vướng mắc; không cần hẹn trước.
Quán do Chủ tịch Nguyễn Văn Dương đề xướng, chủ trì nên mọi người gọi là “cà phê Chủ tịch”. Không gian mở, bài trí với cây nhà lá vườn, tự nhiên, đẹp mắt và có hồn. Cây kiểng được mang về từ các chuyến công tác hay du lịch của cán bộ. Tết, quán được trang trí thêm và mở cửa cả ngày cho người dân tự do vào check-in, chụp ảnh. Cả thế giới, chưa nơi nào lãnh đạo giản dị, gần dân, thân thiện với doanh nghiệp như vậy.
Dù là chủ nhật, ngày nghỉ nhưng biết có đoàn khách về Đồng Tháp là lãnh đạo tỉnh mời ghé quán cà phê chủ tịch để cám ơn. Chủ tịch Nguyễn Văn Dương về hưu, Bí thư Lê Minh Hoan ra Trung ương; Chủ tịch mới Phạm Thiện Nghĩa và tân Bí thư Lê Quốc Phong lại tiếp tục phát huy tinh thần cầu thị, hiếu khách của người dân xứ sen hồng.
Bằng những cách làm thiết thực, lãnh đạo Đồng Tháp luôn khẳng định “Kín cổng, cao tường khép vận hội – Trải lòng, mở cửa đón tương lai”. Dịp Tết nguyên đán, Cà phê Chủ tịch được làm đẹp thêm các tiểu cảnh, mở cửa cho mọi người dân ra vào thoải mái du Xuân như điểm đến ấn tượng. Việc nhỏ mà hiệu quả lớn, chỉ có Đồng Tháp mới làm được như vậy.
Được uống cà phê miễn phí của chủ tịch, lại còn được trực tiếp chủ tịch tỉnh tặng quà đặc sản Đồng Tháp là chiếc khăn rằn của làng nghề Long Khánh và thăm hỏi, nghe nhiều chuyện thú vị về du lịch xứ sở sen hồng, ai cũng phấn khích.
Chủ tịch công ty tổ chức famtrip cho biết: “Tôi chỉ điện thoại báo có đoàn khách xuống Đồng Tháp là chủ tịch đề nghị mời đoàn cà phê sáng. Đồng thời chỉ đạo các nơi có chính sách miễn giảm tối đa, không cần công văn, giấy giới thiệu”.
Chẳng bù cho nhiều nơi khác, làm gì cũng phải công văn, giấy tờ nhưng rốt cuộc chẳng được gì. Cứ hô hào kích cầu, ký kết hợp tác nhưng đụng chuyện là đổ tại và bị nên không giải quyết được, vừa tốn thời gian vừa bực. Mới hay, con người cụ thể là yếu tố quyết định tất cả!
Đem chuyện kể với bạn bè, có người bảo “làm vậy, Đồng Tháp từ một tỉnh nghèo, vươn lên top đầu chỉ số năng lực canh tranh cấp tỉnh (PCI) mấy năm liền với nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả”.
Nhiều thành viên trong đoàn famtrip thắc mắc, sao những cách làm này chưa được nhân rộng? Đâu có khó khăn gì, xem như chi phí tiếp khách, quảng bá cho chính quyền sở tại, thiết thực và hiệu quả. Từ năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hai lần nhắc nhở và đề nghị các tỉnh học tập mô hình này.
Người dân không cần cán bộ làm “đầy tớ” của mình, họ chỉ cần được tôn trọng, được xem như “người thân” của cán bộ là tốt nhất. Nếu tỉnh nào cũng làm như Đồng Tháp thì không chỉ người dân được nhờ, mà nhà nước càng được dân tin yêu.
Theo Đồng Tháp GOV