Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận trên mạng xã hội. Tuy nhiên, việc phát ngôn phải tuân thủ pháp luật và không làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự người khác.
Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản đề nghị các địa phương tăng cường rà soát, xử lý tình trạng một số cá nhân lợi dụng tính năng của mạng xã hội như phát sóng trực tuyến (livestream) để truyền tải nội dung vi phạm luật.
Theo một số luật sư, công dân có quyền tự do ngôn luận trên mạng xã hội nhưng phải tuân thủ quy định của pháp luật.
Livestream phải đúng luật
Trao đổi với Zing, luật sư Nguyễn Tiến Lập, Đoàn luật sư Hà Nội, phân tích theo các quy định của pháp luật, mọi người đều có quyền tự do ngôn luận, nêu ý kiến, quan điểm của họ hay thậm chí chất vấn ai đó về một vấn đề xã hội.
Hiện, rất nhiều người sử dụng tính năng livestream của mạng xã hội Facebook để phát ngôn cá nhân hay nhằm mục đích khác như quảng cáo sản phẩm, PR bản thân… Đó là các quyền được pháp luật cho phép.
Trong một số trường hợp, việc ai đó livestream còn nhằm tạo ra chiến dịch truyền thông, gây làn sóng kích động để hướng đến mục đích riêng của người thực hiện.
Tuy nhiên, pháp luật cấm bất kỳ cá nhân nào sử dụng hình thức phát sóng này để bôi nhọ, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của người khác.
“Việc một số cá nhân livestream rồi dùng lời lẽ xúc phạm người khác là hành vi thiếu chuẩn mực và rất phản cảm trong cộng đồng”, luật sư Lập nhìn nhận.
Có cùng góc nhìn, luật sư Nguyễn Tiến Dũng, Đoàn luật sư Hà Nội, đánh giá mạng xã hội là không gian ảo nhưng hiện nhiều người lợi dụng môi trường này để thực hiện hành vi trái pháp luật.
Nói về việc cá nhân livestream nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác hay thực hiện hành vi vu khống, luật sư cho rằng trước hết, việc làm này gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
Theo ông, người bị xúc phạm dễ trở thành nạn nhân của “tình ngay lý gian”. Có thể họ không làm việc sai trái nhưng sức lan tỏa của video livestream khiến cộng đồng nghĩ xấu, tạo ra nhiều định kiến.
Các luật sư có chung quan điểm khi cho rằng người dùng mạng xã hội cần văn minh, tỉnh táo. Ai cũng có quyền tự do ngôn luận nhưng phải tôn trọng quyền của công dân, tuân thủ quy định bảo đảm bí mật Nhà nước và đời tư người khác.
Có thể bị xử lý hình sự
Đề cập trách nhiệm của người dùng khi tham gia mạng xã hội, đặc biệt là việc lên mạng để thực hiện các video livestream, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư Hà Nội, cho biết mọi cá nhân đều bình đẳng trên không gian mạng.
Pháp luật cũng đề ra những quy định để quản lý hành vi của cá nhân, tổ chức trên môi trường Internet. Do đó, người dùng cần nghiên cứu kỹ quy định của luật trước khi phát ngôn.
Theo ông Cường, Nghị định số 167/2013 và số 15/2020 có những chế tài xử phạt hành chính ở mức răn đe đối với người có hành vi xâm phạm bí mật đời tư cá nhân, xúc phạm danh dự nhân phẩm, vụ khống, bịa đặt, xuyên tạc thông tin về người khác nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng.
Ở mức độ mạnh hơn, Bộ luật Hình sự 2015 quy định nhiều tội danh như Vu khống, Làm nhục người khác, Truyền hoặc đưa trái phép thông tin mạng máy tính mạng viễn thông hoặc Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Đây là những công cụ nghiêm khắc để trị người lợi dụng mạng xã hội để bịa chuyện nhằm xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác, gây ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý, sức khỏe của nạn nhân. Người vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng có thể phải lĩnh án tù giam.
Luật sư Cường cho rằng mạng xã hội đang phát triển mạnh mẽ tạo ra nhiều tiện ích nhưng cũng gây ra không ít hệ lụy. Để đặt ra giới hạn cho người dùng, ông đề xuất đã đến lúc cần xử lý thật nghiêm minh các trường hợp vi phạm.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng có thể khuyến khích người dùng phát hiện, tố giác tổ chức, cá nhân lợi dụng mạng xã hội để hoạt động phi pháp hoặc làm ảnh hưởng đến quyền lợi, uy tín, danh dự của người khác.
Hoàng Lam
https://zingnews.vn/livestream-nhu-the-nao-de-khong-vi-pham-phap-luat-post1226529.html