Gần đây, một số doanh nhân truyền tai nhau “bí quyết” kinh doanh mới, đó là 4L, tức liều – lì – lừa – lách. Nếu hai chữ L đầu tiên được cho là bản lĩnh của doanh nhân thì hai chữ L sau lại vi phạm đạo đức kinh doanh.
“Lừa”, “lách” ảnh hưởng đến thương hiệu
Chia sẻ về “bí quyết” kinh doanh 4L tại chương trình Cà phê với doanh nhân của Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn, LS. Phạm Ngọc Hưng – Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM và TS. Nguyễn Mạnh Hiền – Viện phó Viện Quản lý Kinh doanh Quốc tế (IDEAS) đều đồng ý với hai chữ L đầu tiên. Hai diễn giả cho rằng, “liều” và “lì” chính là bản lĩnh của doanh nhân, tức táo bạo và kiên trì theo đuổi để đạt mục tiêu kinh doanh. TS. Nguyễn Mạnh Hiền cho biết thêm: “Thông thường, gia sản lớn đến với những người liều lĩnh nhất, tất nhiên liều lĩnh phải từ cân nhắc, quyết đoán chứ không phải làm bừa. Làm bừa sẽ dễ vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi của người khác, như vậy là thiếu đạo đức”.
Việc “lách” trong kinh doanh có phần chấp nhận được, nhưng theo LS. Hưng, “lách” phải không làm thiệt hại đến người khác. Cùng quan điểm này, TS. Hiền cảnh báo luật pháp vẫn có kẽ hở. Chẳng hạn một số doanh nghiệp (DN) chậm nộp thuế môn bài, chậm nộp thuế thu nhập, chậm đóng bảo hiểm cho người lao động, về nguyên tắc thì như vậy là đã phạm pháp nhưng luật pháp điều chỉnh hành vi này bằng các điều khoản hoặc biện pháp chế tài tương đối nhẹ, cho nên họ vẫn “qua được”. Một mặt nào đó thì “lách” sẽ giúp DN vượt qua những khó khăn trước mắt, nhưng về lâu dài nó lại mon men bước sang lằn ranh của “lừa”.
Với chữ L thứ ba là “lừa” thì cả hai diễn giả đều không chấp nhận và cũng “không một xã hội hay cộng đồng nào chấp nhận”. Theo LS. Phạm Ngọc Hưng, DN đã vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức kinh doanh thì chắc chắn sẽ khó tồn tại. Thời đại hiện nay, thông tin nhanh lắm, do đó càng cần cẩn trọng vì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thương hiệu.
TS. Nguyễn Mạnh Hiền dẫn chứng việc xảy ra ở Tập đoàn Khaisilk – doanh nghiệp có 30 năm kinh doanh lụa. Khi bị phát hiện Khaisilk toàn nhập lụa Trung Quốc về đóng mác Việt Nam để bán thì thương hiệu này không còn xuất hiện trên thương trường nữa và vĩnh viễn bị mất.
Tương tự gần đây, một chủ quán bánh ướt lòng gà ở Đà Lạt chửi bới nhóm du khách đến từ TP.HCM. Dù đã xin lỗi và đóng phạt 16 triệu đồng, nhưng khả năng từ giờ về sau không ai dám đến quán ấy nữa. Hay như một quán hải sản ở thành phố Đà Nẵng, hóa đơn hơn 2,3 triệu đồng lại tính thành hơn 3,3 triệu đồng. “Nếu 2 triệu tính nhầm thành 2,1-2,2 triệu thì còn thông cảm được”.
“Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”
Nhấn mạnh vai trò của chữ “tín” trong kinh doanh, LS. Phạm Ngọc Hưng chia sẻ: “Trong kinh doanh, điều quan trọng nhất là chữ tín”. Một doanh nhân nếu làm khách hàng mất niềm tin chỉ một lần là có thể làm mất lòng tin ở họ mãi mãi. “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng” là vậy. Ví dụ vụ một công ty bột ngọt xả thải ra môi trường bức tử cả một dòng sông từ 10 năm trước, lập tức thương hiệu đó bị người tiêu dùng tẩy chay và hiện vẫn chưa lấy lại được thị phần mất đi.
Trả lời câu hỏi, liệu các vụ vi phạm pháp luật trong kinh doanh xảy ra có phải là do luật chưa chặt chẽ, còn nhiều kẽ hở, TS. Hiền cho biết: “Thường các bộ luật “đi chậm hơn” đời sống xã hội, vì thế mới có kẽ hở. Những ai lợi dụng những kẽ hở ấy để kinh doanh bất chính là thiếu đạo đức”.
TS. Hiền phân tích: “Một là họ làm sai đã lâu nhưng che giấu tốt, nên đến một thời điểm nào đó mới bị phát hiện. Hai là trong quá trình kinh doanh, họ liên đới với những chủ DN phạm pháp khác. Bản chất của doanh nhân là tuân thủ pháp luật nhưng do tác động của bối cảnh xã hội, do thiếu nền tảng đạo đức, một ít người trong số họ có thể sa ngã. Hoặc trong giai đoạn ngặt nghèo của dòng tiền, thời điểm khắc nghiệt của kinh doanh, họ buộc phải “nhúng chàm” để cứu vãn DN”.
Theo TS. Hiền, cũng phải thấy rằng một vài doanh nhân vi phạm pháp luật vừa rồi một phần cũng do tác động xấu của đại dịch Covid-19. Nếu họ vẫn còn tiền sẽ không đấu giá trúng thầu rồi bỏ cọc, hay không trốn thuế đến mức đó. Nếu không bị dịch bệnh phải giãn cách xã hội, lãnh đạo một DN giải trí trên Bình Dương cũng sẽ tập trung làm ăn, không có thời gian để livestream xúc phạm người khác.
Đặc biệt, nếu được một luật sư tử tế, đủ tầm tư vấn về các tình huống pháp lý thì hành vi livestream xúc phạm người khác (theo quy định của Điều 331 Bộ Luật Hình sự, có thể phạt tù đến 7 năm) thì có thể vị nữ giám đốc ấy đã không sai phạm.
LS. Phạm Ngọc Hưng nhấn mạnh vụ một doanh nhân bị khởi tố, bắt tạm giam vì thao túng thị trường chứng khoán thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật. Trước đó, cuối năm 2017, doanh nhân này từng “bán chui” 57 triệu cổ phiếu nhưng không báo cáo trước, bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt 65 triệu đồng. Việc xử lý hình sự với hành vi vi phạm của doanh nhân này là sự cảnh tỉnh đối với những doanh nhân đang manh nha vi phạm đạo đức, lách luật để vụ lợi bất chính.
LS. Phạm Ngọc Hưng khẳng định, quy tắc cao nhất của doanh nhân là phải thượng tôn pháp luật trong kinh doanh. Ông nhắc đến Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức nhiều năm qua nhằm đào tạo thế hệ doanh nhân tương lai phát triển trên nền tảng đạo đức. Nên biết là từ đầu thế kỷ XX, danh nhân Lương Văn Can đã nhấn mạnh yếu tố đạo đức là tiêu chí hàng đầu của doanh nhân.
Lê Hạnh ghi – Theo DNSG