10.8 C
New York
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư 2024

Buy now

spot_img

Hiệu quả bước đầu từ Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Tái cơ cấu nông nghiệp là quá trình tiếp tục phát triển nông nghiệp gắn với bố trí, sắp xếp lại các chuyên ngành sản xuất theo nguyên tắc sử dụng tối đa lợi thế so sánh và sử dụng tối ưu các nguồn lực đầu vào để tạo ra hiệu quả kinh tế, năng lực cạnh tranh. Đây còn là quá trình phát triển gắn với thay đổi quy mô sản xuất các chuyên ngành nhằm tạo ra các nông sản phẩm có chất lượng và giá trị cao, phù hợp với nhu cầu thị trường, nâng cao thu nhập cho nông dân và đảm bảo tính bền vững.

Xoài, mặt hàng thế mạnh của địa phương. Ảnh: MỸ NHÂN

Là tỉnh nằm trong vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo, thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long, nhiều năm qua, ngành nông nghiệp Đồng Tháp có bước phát triển khá nhanh, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, sự phát triển đó chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có như quy mô sản xuất chạm ngưỡng; năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản tương đối thấp; tăng trưởng nông nghiệp chủ yếu theo chiều rộng…

Trước thực trạng trên, Đồng Tháp quyết tâm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp (TCCNN) với phương châm “Hợp tác, liên kết, thị trường”; lấy việc giảm chi phí, tăng chất lượng, nâng cao giá trị nông sản là con đường ngắn nhất để tăng thu nhập cho nông dân.

Thực hiện Đề án TCCNN, Đồng Tháp chọn ra 5 ngành hàng chủ lực để tái cơ cấu sản xuất gồm: lúa gạo, cá tra, xoài, vịt và hoa kiểng. Qua thời gian thực hiện, đến nay, các ngành hàng chủ lực của Đề án TCCNN đạt kết quả tích cực. Trong đó, ngành hàng xoài và hoa kiểng đạt kết quả cao, nâng cao giá trị, ổn định vùng sản xuất. Bên cạnh đó, nông dân còn đẩy mạnh sản xuất hoa kiểng kết hợp với phát triển du lịch, thúc đẩy phát triển đa dạng các dịch vụ. Ngành hàng cá tra phát triển tốt, mang lại giá trị xuất khẩu cao. Ngành hàng lúa gạo phát triển theo xu hướng liên kết, sản xuất theo yêu cầu của thị trường, đem lại lợi nhuận cho người nông dân.

Sản xuất hoa kiểng kết hợp với du lịch mang lại thu nhập cao cho người dân. Ảnh: KHÁNH DUY

Từ những kết quả đạt được đã đưa kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2015 – 2020 của tỉnh Đồng Tháp tiếp tục tăng trưởng. Sản xuất nông nghiệp có nhiều chuyển biến mạnh mẽ theo định hướng TCCNN gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đời sống người dân khu vực nông thôn ngày càng được cải thiện, nhiều mô hình sản xuất tiên tiến và Nhân dân tự quản được hình thành, nhân rộng. Qua đó, tạo chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của nông dân, chuyển đổi từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”.

Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả Đề án TCCNN, góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp tỉnh nhà phát triển nhanh và toàn diện, tỉnh thực hiện TCCNN theo quy luật thị trường, giảm diện tích đất trồng lúa năng suất thấp, không hiệu quả sang trồng cây ăn trái và các loại hình sản xuất hiệu quả hơn, giảm giá thành sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân, chủ trang trại liên kết với các trường đại học, cao đẳng hình thành trang trại giống cây trồng, vật nuôi cung cấp cho toàn tỉnh góp phần sản xuất đạt hiệu quả cao hơn; phát triển các sản phẩm chủ lực dựa trên ứng dụng khoa học và công nghệ; phát triển dịch vụ phục vụ nông nghiệp, kinh doanh nông sản.

Ngành hàng lúa gạo từng bước phát triển theo yêu cầu của thị trường. Ảnh: KHÁNH DUY

Ngoài ra, thực hiện tốt các chương trình hợp tác với các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước, ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, đào tạo nâng cao năng lực sản xuất; thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp có quy mô lớn, làm nòng cốt tác động chuyển đổi phương thức sản xuất và liên kết tiêu thụ, chế biến nông sản tập trung. Đồng thời nâng cao công tác phân tích và dự báo thị trường; đẩy mạnh truyền thông và kết nối thông tin thị trường tạo thuận lợi để phát triển nông nghiệp.

Ngành hàng cá tra mang lại giá trị xuất khẩu cao. Ảnh: MỸ LÝ

Mặt khác, cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp; hỗ trợ các địa phương trong việc triển khai thực hiện việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa nông sản đặc thù và hoạt động xúc tiến thương mại, kêu gọi đầu tư hỗ trợ phát triển 5 ngành hàng chủ lực. Đẩy mạnh triển khai mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại; mô hình liên kết giữa sản xuất gắn với tiêu thụ hình thành chuỗi giá trị, mô hình giảm giá thành nông sản, mô hình sản xuất đủ điều kiện an toàn, vệ sinh thực phẩm đối với 5 ngành hàng chủ lực; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ khuyến nông, cán bộ quản lý cho các hợp tác xã nông nghiệp… Đồng thời đẩy mạnh đầu tư hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phục vụ thực hiện Đề án TCCNN, nhất là hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế vườn, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới…

PHẠM NGỌC HÒA – Báo Đồng Tháp

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tin mới