Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp tổ chức Diễn đàn Mekong Startup lần I – năm 2022, với chủ đề “Nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp”. Ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu khai mạc phiên toàn thể của diễn đàn vào chiều ngày 20/12.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, trong thời gian qua, ngành nông nghiệp đã đạt rất nhiều thành tựu quan trọng, từ một quốc gia nhập khẩu lương thực thì hiện nay trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Lần đầu tiên chúng ta khẳng định rõ nông sản là lợi thế quốc gia.
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm, đóng góp trên 56% tổng sản lượng gạo, 60% lượng trái cây, 83% sản lượng tôm, 95% tổng sản lượng cá tra của cả nước và là vùng xuất khẩu nông sản chủ lực của cả nước. Theo Thứ trưởng, mặc dù nông nghiệp cả nước và Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều thành tựu quan trọng nhưng vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa ứng dụng công nghệ cao, giá trị còn thấp và còn gây ảnh hưởng nhiều đến môi trường. Chính vì thế, việc phát triển nông nghiệp hiện đại, theo hướng xanh hơn, phát thải thấp, với giá trị cao hơn, ứng dụng nguyên lý tuần hoàn, sinh thái là vô cùng quan trọng. Những điều này được chỉ rõ trong chiến lược Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng phê duyệt.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng chia sẻ quan điểm về nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long hiện đại. Đó là phải áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào các khâu của quá trình sản xuất, là phát triển nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. Và đạt được điều này, quan trọng trên hết là chúng ta cần có những người nông dân hiểu biết, các doanh nghiệp năng động, đổi mới.
Về nông nghiệp tuần hoàn Đồng bằng sông Cửu Long chính là để nâng cao giá trị, biến phế phụ phẩm thành tài nguyên để tái tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập giá trị của toàn chuỗi. Nguyên lý tuần hoàn trong nông nghiệp đó là “coi mọi thứ đều là tài nguyên và là đầu vào đối với quá trình sản xuất khác”. Ba nguyên tắc cơ bản của kinh tế tuần hoàn chính là “Giảm thiểu, Tái sử dụng và Tái chế”. Ước tính hiện nay, với khoảng gần 100 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long (từ rơm rạ, thân cây ngô, rau màu, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp) thì đây chính là nguồn tài nguyên khổng lồ nếu chúng ta biết sử dụng hiệu quả.
Nói về nông nghiệp xanh, giảm phát thải của Đồng bằng sông Cửu Long, ông Trần Thanh Nam nhấn mạnh đây là yêu cầu vô cùng quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững, giảm thiểu biến đổi khí hậu. Tăng trưởng xanh – carbon thấp đòi hỏi sử dụng ít năng lượng hơn, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên và chuyển sang các nguồn năng lượng carbon thấp; bảo vệ và thúc đẩy việc sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên như rừng, đất, than bùn; ứng dụng công nghệ các bon thấp giảm phát thải khí nhà kính v.v..
Về khởi nghiệp, trong những năm qua, ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia vào sản xuất kinh doanh. Theo thống kê thì hàng năm chúng ta có khoảng 100.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, trong đó Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 8.000 – 11.000 doanh nghiệp. Tuy nhiên, số doanh nghiệp nông nghiệp mới thành lập thì ít hơn nhiều, trung bình hàng năm chỉ có khoảng 2.000 doanh nghiệp nông nghiệp đăng ký thành lập mới. Điều này cho thấy số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn khá khiêm tốn.
Nhằm có những cuộc nghị sự chất lượng để đồng thời giải quyết những bài toán lớn nói trên, từ sáng kiến của tỉnh Đồng Tháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã thống nhất đồng tổ chức Diễn đàn Mekong Startup – Lần 1 năm 2022 với chủ đề “Nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp”. Đây là chủ đề lớn, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển nông nghiệp cả nước nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì “Hiện đại hóa nông nghiệp là hiện đại bắt đầu từ cơ giới hóa đồng bộ, tự động hóa chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, kinh tế tuần hoàn là tiềm năng quan trọng, giảm phát thải chính là cơ hội chuyển đổi nền nông nghiệp xanh bền vững”. Diễn đàn mong muốn tạo lập được cơ chế đối thoại công – tư thường xuyên, kết nối nguồn lực trong và ngoài nước, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong nông nghiệp.
Thay mặt Ban Tổ chức Diễn đàn, Thứ trưởng Trần Thanh Nam tuyên bố khai mạc Diễn đàn phiên toàn thể. Đồng thời, cảm ơn sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của lãnh đạo các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, các Bộ ngành, cơ quan chức năng, các tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện ngoại giao, các chuyên gia, doanh nghiệp, hiệp hội trong và ngoài nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, startup các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trong chuỗi hoạt động 02 ngày 19 – 20/12.
Nguyệt Ánh – Cổng Thông tin Đồng Tháp