4 C
New York
Thứ tư, 4 Tháng mười hai 2024

Buy now

spot_img

Chuyện anh Bo “liều” mê trồng sen hữu cơ

Không có “cục đất chọi chim” vẫn liều mình thuê hàng chục ha đất để trồng sen hữu cơ trước bao ánh mắt ái ngại của nhiều người, nhưng điều đó không làm nao núng quyết tâm khởi nghiệp với cây sen của anh Lê văn Bo (SN 1978) ở xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh. Hành trình hơn 10 năm gắn bó với cây sen, anh Bo đã không ít lần rơi vào cảnh “lên bờ xuống ruộng”, nhưng với quyết tâm mang đến những giá trị mới cho cây sen, anh đã có những thay đổi trong tư duy canh tác và mang đến nhiều giá trị mới cho cây sen của quê nhà.

Dù trải qua nhiều khó khăn, anh Lê Văn Bo vẫn yêu và quyết tâm gắn bó với cây sen

“Liều” khởi nghiệp với cây sen

Năm 2010, thấy nhiều nông dân ở địa phương trồng sen cho hiệu quả kinh tế cao, anh Bo bàn với vợ gom hết vốn liếng tích góp bao năm để thuê 3 công đất (hơn 6.000m2) khởi nghiệp với nghề trồng sen. Nhờ chịu khó và may mắn thời điểm đó, sen có giá nên vụ đầu vợ chồng anh Bo lãi trên 15 triệu đồng.

Tiếp nối thành công của vụ sen đầu tiên, năm 2012, anh Bo quyết định đầu tư lớn, thuê thêm hơn 2ha để mở rộng vùng nguyên liệu sen của mình. Nhờ tích lũy kinh nghiệm từ vụ trước đi kèm với việc giá gương sen tăng mạnh nên vụ sen năm 2012 anh Bo lại tiếp tục thắng đậm, sau khi trừ hết tiền thuê đất và chi phí vật tư nông nghiệp lãi trên 250 triệu đồng.

Để tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu phục vụ nhu cầu đối tác, năm 2014, anh Bo đầu tư thêm 10ha để trồng sen lấy gương. Bắt đầu từ đây, khó khăn dồn dập tới khi nhiều ruộng sen của anh Bo bị dịch bệnh tấn công, giá gương sen thì liên tục giảm mạnh đã khiến cho gia đình anh Bo rơi vào hoàn cảnh chật vật.

Nhớ lại khoảng thời gian khó khăn khi sen liên tục bị bệnh chết, anh Lê Văn Bo trầm ngâm: “Ban đầu khi trồng sen với diện tích ít thì còn có lợi nhuận, nhưng khi bắt đầu làm lớn lên thì càng làm càng lỗ. Thời điểm đó, mỗi lần đi thăm ruộng là tôi về nhà rầu lo, ngủ không được vì sen cứ thúi ngó chết liên tục, nhất là những ruộng sen đã trồng nhiều mùa thì tỉ lệ chết lại càng dữ. Trong khoảng thời gian đó, trong những lần đi giao gương sen cho khách hàng, chạy ngang mấy khu rừng tràm của Gáo Giồng, Vườn Quốc gia Tràm Chim, tôi thấy vô cùng ngạc nhiên, vì sen tự nhiên ở những nơi này đâu ai bón phân, xịt thuốc nhưng chúng vẫn vươn mình tươi tốt. Sau khi chiêm nghiệm và đắn đo, tôi quyết định “làm liều” lần nữa với ruộng sen của gia đình. Tôi bắt đầu thí nghiệm giảm phân thuốc trên những ruộng sen. Một số ruộng tôi cắt hẳn phân thuốc hóa học rồi chuyển sang sử dụng phân hữu cơ. Sau thời gian, tôi nhận thấy những ruộng sen được sử dụng phân hữu cơ và cắt hẳn phân thuốc hóa học thì cây sen dần hồi phục và không còn bị bệnh nữa. Từ lần thí nghiệm đó, tôi đã quyết tâm chuyển hẳn theo con đường trồng sen hữu cơ”.

Thay đổi tư duy để “ăn chắc mặc bền”

Sau nhiều năm gắn bó với cây sen, anh Bo đúc kết, để phát triển cây sen bền vững thì phải trả cây sen lại với tự nhiên, đưa cây sen về những giá trị vốn có ban đầu của nó. Anh Bo chia sẻ: “Mặc dù làm sen theo hướng hữu cơ không xài phân bón hóa học hay thuốc bảo vệ thực vật năng suất có giảm những bù lại có thể thu hoạch thời gian dài. Bên cạnh đó, khi làm theo hướng hữu cơ, cây sen của mình “sạch từ đầu đến chân” nên không chỉ bán gương sen mà giờ đây bất kể bộ phận nào của cây sen mình cũng có thể khai thác thương mại hết, không bỏ phí như trước đây”.

Từ chỗ làm sen theo hướng hữu cơ, rồi được chính quyền địa phương hướng dẫn, anh Bo có điều kiện tham gia các lớp học về khởi nghiệp, chế biến. Anh bắt đầu có những góc nhìn mới trong trong khai thác giá trị cây sen. Thay vì trước đây chỉ bán duy nhất sản phẩm gương sen cho thương lái và doanh nghiệp thì kể từ ngày phát triển sản xuất sen theo hướng hữu cơ, anh Bo bắt đầu cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm như: sản phẩm sen lụa, hoa sen tươi, lá sen, củ sen, tim sen… Việc đầu tư nhãn mác bao bì, chuyện mà nhiều nông dân trồng sen ở Đồng Tháp rất ít quan tâm thì cũng được anh Bo từng bước thực hiện.

Từ 3 công sen của ngày đầu khởi nghiệp, hiện anh Lê văn Bo đã canh tác trên 20ha sen theo hướng hữu cơ. Ngoài việc cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp đối tác lớn trong và ngoài tỉnh để chế biến, anh Bo còn tiến đến tự chế biến sản phẩm sen lụa và sản phẩm rượu sen. Trung bình mỗi năm, anh Bo có thể cung cấp cho thị trường trên 100 tấn gương sen và nhiều sản phẩm khác như: sen lụa, lá sen, hoa sen, tim sen… Những năm gần đây, trung bình mỗi năm gia đình anh Lê Văn Bo thu lợi nhuận từ những rộng sen trên 250 triệu đồng.

Bên cạnh, phát triển sản xuất sen theo hướng hữu cơ, năm 2018 để mang lại giá trị gia tăng nhiều hơn cho sản phẩm sen hữu cơ anh Lê Văn Bo đã nghiên cứu thành công và cho ra đời sản phẩm rượu Hoa sen tửu Lê Bo. Đây là sản phẩm được kết hợp hài hòa từ sản phẩm rượu gạo truyền thống của địa phương với hoa sen tươi, tim sen và hạt sen hữu cơ của anh Bo. Hiện tại, sản phẩm đã được cung cấp rộng rãi trên thị trường và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người tiêu dùng. Hiện UBND xã Gáo Giồng cũng đang hỗ trợ giúp anh Lê Văn Bo các hồ sơ thủ tục cần thiết để sản phẩm Hoa Sen Tửu Lê Bo tham gia bình chọn sản phẩm OCOP của tỉnh Đồng Tháp năm 2021.

Ông Nguyễn Minh Tiến – Chủ tịch Hội Nông dân xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh cho biết: “Nhằm giúp anh Lê Văn Bo khai thác được hết những thế mạnh của cây sen, thời gian qua, địa phương đã luôn đồng hành hỗ trợ anh phát triển các sản phẩm chế biến từ cây sen. Trong đó, ngoài việc hỗ trợ các hồ sơ, thủ tục để sản phẩm rượu sen của anh Bo được hoàn thiện hơn, địa phương còn hỗ trợ anh tham gia các chương trình xúc tiến quảng bá sản phẩm của huyện, tỉnh tổ chức để sản phẩm sen hữu cơ của anh Bo đến với người tiêu dùng nhiều hơn. Xã Gáo Giồng cũng đang tiếp tục định hướng hỗ trợ giúp anh Bo thực hiện đầu tư nhãn mác cho sản phẩm sen lụa. Bởi sản phẩm được sản xuất theo quy trình chuẩn phải có chứng nhận nhãn mác rõ ràng thì mới có thể kết nối ở các kênh phân phối chuyên nghiệp, giúp phát huy hết những giá trị của nông sản ở địa phương”.

Mỹ Lý – Báo Đồng Tháp

0/5 (0 Reviews)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tin mới