Thước đo cho sự thịnh vượng của một quốc gia không chỉ còn nằm ở đôi bàn tay “chai sạm”, mà nằm trong ‘cái đầu thông minh đầy sáng tạo’.
Trong cuộc sống, ai mà chẳng mong muốn mọi việc hoàn hảo, và ngay cả chính mình cũng luôn được hoàn hảo?!? Nhưng có một sự thật không thể phủ nhận là vạn vật trong vũ trụ này đều mang tính tương đối, tức là không bao giờ có sự vật, hiện tượng nào là hoàn hảo tuyệt đối, chỉ có thể tiệm cận sự hoàn hảo mà thôi. Nó có cũng giống như dấu vô cực trong toán học để chỉ một điểm xa tít mù không bao giờ tìm đến được vậy.
Một nhà tư tưởng Nhật còn đưa ra triết lý “Đừng cố tìm sự hoàn hảo”. Một danh nhân khác thì cho rằng: “Sự hoàn hảo chỉ tồn tại trong tim bạn, nó không tồn tại ngoài đời thực”.
Do không bao giờ hoàn hảo nên mới có những từ “phải chi”, “ước gì”. Những gì ngày hôm trước chưa ưng bụng thì người ta thường thốt lên “phải chi”, còn nếu mong muốn ngày mai tốt đẹp hơn thì người ta sẽ “ước gì”, ước gì “sẽ có, sẽ hoàn hảo hơn, hoàn thiện hơn, tối ưu hơn…”.
Năm ngàn năm lịch sử tiến hoá của loài người đã vậy và ngàn năm sau chắc chắn vẫn cũng sẽ là vậy. Có thể chỉ khác nhau là tốc độ tiệm cận từng bước đến sự hoàn hảo ngày càng nhanh hơn, nhất là trong tương lai do trí tuệ con người đã tạo ra những công nghệ đột phá hơn.
Nói hơi vòng vo để muốn nói tới sự sáng tạo của con người. Ngày nay, “đổi mới” và “sáng tạo” có lẽ là những thuật ngữ thường gặp nhiều nhất trên thế giới thay đổi như vũ bão hàng ngày hàng giờ này. Đổi mới để đem đến cái gì đó mới mẻ hơn thay cho những gì cũ kỹ, không còn phù hợp, để thích ứng với điều kiện mới.
Sáng tạo để không ngừng tạo ra những gì tối ưu hơn cái hiện đang có. Tất cả đều nhằm không ngừng hoàn thiện, hoàn hảo. Nói như một danh nhân đó là: “Làm tốt hơn cái đang tốt. Làm đúng cái đang bị sai. Làm có cái chưa có. Làm gì đó để tạo ra giá trị mới giúp cho cộng đồng, xã hội ngày mỗi tốt đẹp hơn“.
Muốn sáng tạo thì cần phải biết phát hiện vấn đề gì đó còn chưa hoàn hảo, hoàn mỹ, hoàn thiện. Ngược lại, nếu không phát hiện ra vấn đề sẽ không có thể sáng tạo. Đúng như một doanh nhân đã tổng kết: “Khi không thấy vấn đề, đó chính là vấn đề lớn nhất”.
Như vậy, nếu tự bằng lòng cái đang có sẽ không thấy cần phải đổi mới, nếu luôn hài lòng với cái khuôn đúc sẽ không có sáng tạo. Vậy mà, dường như đây đó trong nhiều người đã tự bằng lòng với cái đang có rồi, vẫn hài lòng theo cái khuôn đúc sẵn.
Và như vậy, “ngày hôm nay cũng giống như ngày hôm qua, ngày mai cũng giống như ngày hôm nay”, mọi suy nghĩ đều bị “đóng đinh” trong đầu, “đóng khuôn” trong mọi hành động, và kết quả là những sản phẩm làm ra thiếu hẳn sức sống, không được xã hội thừa nhận hoặc đánh giá cao.
Ngược lại, nếu có khát vọng phải làm sao mỗi ngày một tốt hơn thì sẽ luôn tìm tòi cái mới hơn, hay hơn, hiệu quả hơn. Hãy nhìn vào những ý tưởng mới sẽ thấy vô vàn trí tuệ của con người, và dường như con người đã được tạo hoá ban cho một ân huệ là luôn còn đó những vấn đề cần đến ý tưởng sáng tạo.
Trong cuộc sống cũng vậy, mà trong công việc cũng vậy, sẽ là đơn điệu, là nhàm chán nếu như ngày nào cũng như ngày nào. Hiệu suất làm việc sẽ thấp, năng suất lao động sẽ không cao nếu mọi việc rơi vào trạng thái tự bằng lòng với chính mình. Ngược lại, sáng tạo sẽ tạo ra giá trị mới cho cuộc sống, cho công việc của mình và tạo ra giá trị mới cho tập thể, cộng đồng và xã hội. Khi đó mỗi người sẽ có ý thức luôn vươn lên phía trên, vượt lên phía trước, để thấy cuộc sống, công việc còn quá nhiều ý tưởng mới.
Muốn có sáng tạo cần đến một không gian, một hệ sinh thái để làm bệ đỡ, làm chổ dựa. Con đường để hoàn hảo dần, hoàn thiện hơn không bao giờ là bằng phẳng. Có thể có những vấp váp, có thể có những hoài nghi.
Người lãnh đạo phải biết kích hoạt và cổ vũ những ý tưởng sáng tạo dù còn mới mẻ, còn nhỏ nhoi, còn ở bước đầu. Trong bất kỳ con người nào đều luôn tiềm ẩn những ý thức sao cho công việc tốt hơn, cuộc sống tốt hơn, xã hội tốt đẹp hơn. Khi ấy, chỉ cần người lãnh đạo và môi trường chung quanh khơi gợi, nung nấu, kích hoạt thì ngay lập tức bùng lên những ý tưởng sáng tạo.
Ngày nay, thước đo cho sự thịnh vượng của một quốc gia không chỉ còn nằm ở đôi bàn tay “chai sạm”, mà nằm trong “cái đầu thông minh đầy sáng tạo”. Sáng tạo liên tục, sáng tạo không ngừng, như những dòng thác tuôn trào. Trong dòng người tiến lên trên hành trình đến thành công, ai đứng lại, thậm chí là chậm chân một chút thôi là tự mình chấp nhận bị bỏ lại phía sau rồi.
Người thành công là “người luôn tìm ra giải pháp” còn người thất bại thì “luôn tìm cách biện minh”. “Người sáng tạo” khác với “người bị đúc khuôn” đôi khi cũng trong chừng mực như vậy.