Ngày 11-6, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã đến khảo sát tình hình sản xuất, tiêu thụ khoai lang tại huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, trong bối cảnh vùng nguyên liệu lớn nhất nước này đang gặp khó về giá đầu ra.
Chia sẻ câu chuyện thị trường khoai lang gặp khó trong thời gian qua, ông Trần Hoàng Đông – giám đốc một công ty chuyên chế biến các loại nông sản khoai lang sấy, chuối sấy, khoai cao sấy – cho biết mỗi tháng công ty chế biến 150 – 200 tấn khoai xuất khẩu. Nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, lượng hàng xuất khẩu thời gian qua giảm mạnh, chỉ còn khoảng vài chục tấn/tháng.
“Những công ty chế biến khoai lang sấy đều gặp khó khăn. Lúc trước mỗi tháng khách hàng có thể đặt 5 – 10 container và bao tiêu sản phẩm quanh năm. Nhưng từ khi xảy ra dịch bệnh COVID-19, lượng hàng đặt chững lại. Doanh nghiệp buộc phải mở rộng kho lạnh dự trữ 2.000 – 3.000 tấn” – ông Đông cho hay.
Các cơ sở sản xuất khoai lang cũng nêu một nguyên nhân khiến giá khoai bị mất giá, khó xuất khẩu là do Trung Quốc cũng đang trồng khoai lang tím với diện tích lớn.
Chia sẻ khó khăn với địa phương, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết thời gian vừa qua nông sản gặp khó khăn đầu ra. Riêng Vĩnh Long có vùng nguyên liệu khoai lang tím Nhật lớn nhất cả nước. Không chỉ trong thời gian đại dịch, thị trường nông sản trước đây đôi khi cũng rơi vào cảnh hỗn độn, cung vượt cầu… Nếu nhìn nhận không đúng bản chất sẽ không tìm ra được câu trả lời.
Từ tháng 3-2021 đến nay, giá khoai lang giảm dần, không có thương lái đến mua gây khó khăn cho người trồng. Diện tích khoai đã thu hoạch của tỉnh Vĩnh Long là 3.300 hecta, riêng khoai đến kỳ thu hoạch còn khoảng 400ha.
Giá hiện tại loại khoai đẹp khoảng 200.000 đồng/tạ. Riêng khoai quá lứa, khoai xô chỉ 100.000 – 120.000 đồng/tạ, với giá này nông dẫn lỗ 100.000 – 200.000 đồng/tạ.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn các ngành, các cấp sẽ cùng Bộ NN&PTNT chia sẻ thông tin, ý tưởng. Riêng bộ sẽ chia sẻ quan điểm về chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển tư duy số lượng, sản lượng sang chất lượng. Chuyển từ sản lượng sang giá trị gia tăng làm mục tiêu phấn đấu. Sản lượng càng nhiều không đồng nghĩa thu nhập tăng thêm mà ngược lại.
“Phải thay đổi tư duy sản lượng sang tư duy làm kinh tế, nâng cao chất lượng nông sản. Khi nông sản hiếm thì giá tăng, khi thừa thì xuống, chúng ta đang đánh cược nhiều hơn là làm kinh tế nông nghiệp” – ông Hoan nói.
CHÍ HẠNH
https://tuoitre.vn/bo-truong-le-minh-hoan-chung-ta-dang-danh-cuoc-hon-la-lam-kinh-te-nong-nghiep-20210611182340027.htm