6.6 C
New York
Thứ sáu, 22 Tháng mười một 2024

Buy now

spot_img

Nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm từ Sen Đồng Tháp

Nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm được hình thành từ Sen đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong và ngoài nước, sáng ngày 21/5, Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức Hội thảo “Nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm từ Sen Đồng Tháp”, tôn vinh nông dân trồng sen giỏi và những cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm từ sen. Hội thảo là một trong những hoạt động của Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ nhất năm 2022.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ định hướng phát triển ngành hàng sen

Đến dự và chia sẻ tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chúc mừng Đồng Tháp tổ chức thành công Lễ hội Sen lần thứ nhất và mong muốn địa phương tiếp tục khai thác giá trị lễ hội mang lại, từ giá trị hữu hình đến giá trị vô hình để tiếp tục nâng tầm cây sen cũng như khẳng định thương hiệu Đồng Tháp – Đất Sen hồng.

Đồng Tháp không phải là tỉnh duy nhất trồng sen, mặc dù thương hiệu sen đã gắn bó với địa phương từ lâu – Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị tỉnh phải có những chương trình, kế hoạch phát huy giá trị sen nhiều hơn nữa và thực hiện đồng bộ, thường xuyên. Câu chuyện Sen Đồng Tháp trong những năm tới như thế nào cần phải tính đến.

Trong đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần đẩy mạnh kết nối chuyên gia về sen, các tour du lịch, lữ hành, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm sen, đưa các món ăn về sen vào các nhà hàng, quán ăn tại Đồng Tháp; đa dạng hóa sản phẩm từ sen và cả việc tạo ra những giống sen mới; đồng thời giáo dục cho thế hệ trẻ tình yêu quê hương, yêu mến Sen Đồng Tháp v.v..

Sự thông minh của người trồng sen quan trọng hơn sự cần cù của người trồng sen – ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh và mong muốn nông dân gắn bó, liên kết với nhau nhiều hơn. Và Hội ngành hàng Sen của tỉnh ra đời sẽ là không gian chia sẻ với bà con trồng sen để tạo ra giá trị cao hơn.

Cảm ơn các ý kiến đầy tâm huyết của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa cho rằng, những trăn trở của Bộ trưởng đối với ngành hàng sen cũng chính là trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Ông Phạm Thiện nghĩa mong muốn tất cả nông dân trồng sen, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp cùng chung tay thực hiện các giải pháp để nâng tầm cây sen, không chỉ tạo dựng thương hiệu địa phương mà còn phát huy giá trị chuỗi ngành hàng sen của tỉnh.

Cây sen gắn liền với vùng đất Đồng Tháp từ xa xưa, đây là loại cây trồng quen thuộc gắn bó với người dân nơi đây. Năm 2015, tổng diện tích trồng sen trên địa bàn tỉnh là 1.265 ha, chiếm 3,5% diện tích hoa màu toàn tỉnh, sản lượng đạt 984 tấn. Tuy nhiên, đến giai đoạn 2016 – 2019, diện tích sen giảm khá mạnh, chỉ còn từ 791 – 879 ha, sản lượng dao động từ 592 – 712 tấn. Đến năm 2020, diện tích sen phục hồi trở lại, đạt 1.252 ha, sản lượng trên 1.000 tấn, tập trung tại các huyện: Tháp Mười, Tam Nông, Cao Lãnh, Tân Hồng và Lấp Vò.

Sản phẩm từ sen của Đồng Tháp rất đa dạng

Cây sen ở Đồng Tháp không chỉ được trồng để lấy gương, ngó, giờ đây sen còn được đa dạng hóa với những sản phẩm từ tinh dầu sen, tơ sen, đến các dịch vụ như ngắm cảnh đồng sen, thưởng thức ẩm thực từ sen, tạo chuỗi giá trị kinh tế cao. Hiện nay, cây sen đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp chọn và đưa vào xây dựng và phát triển thương hiệu các nông sản chủ lực tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 – 2025.

Theo ông Nguyễn Thành Tài – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Sở đã và đang tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đưa khoa học và công nghệ vào phát triển chuỗi giá trị sản phẩm sen, thông qua các hoạt động như: Xây dựng và ban hành Đề án Phát triển sản phẩm Đồng Tháp; Dự án Đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý Đồng Tháp cho sản phẩm sen; hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ phục vụ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm sen theo Nghị quyết số 44/2021/NQ-HĐND ngày 17/8/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh; hỗ trợ quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Sen Tháp Mười” trong và ngoài nước v.v..

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Đông – Viện Phó Viện nghiên cứu rau quả cho biết, Viện đang phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Tháp xây dựng Đề án Phát triển sản phẩm sen Đồng Tháp giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030. Trong đó có nhiều giải pháp về khoa học công nghệ để phát triển sen như: Xây dựng trung tâm bảo tồn, lưu giữ các giống sen; tuyển chọn và lai tạo bộ giống sen mới, phân theo các nhóm trồng sen để lấy hoa, ngó, củ và các giống sen trồng chậu làm cảnh; hoàn thiện các quy trình kỹ thuật trồng, canh tác sen; quy trình kỹ thuật thu hái, bảo quản, chế biến sâu về sen, để tạo ra nhiều sản phẩm từ sen hơn nữa.

Ngoài ra, việc đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý “Đồng Tháp” cho sản phẩm sen cũng được các đại biểu nêu lên tại hội thảo. Trung tâm nghiên cứu Công nghệ và Sở hữu trí tuệ CIPTEK là đơn vị thực hiện cho biết sẽ hoàn thành đăng ký vào tháng 11/2023.

Ông Lê Văn Nghĩa (huyện Lấp Vò) – người sáng tác tranh từ lá sen phát biểu tại hội thảo

Tại hội thảo, nông dân, các cơ sở sản xuất, chế biến sen bày tỏ mong muốn được hướng dẫn về quy trình, kỹ thuật canh tác sen đạt hiệu quả, đa dạng các giống sen, liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm sen v.v..

Hội ngành hàng sen Đồng Tháp nhiệm kỳ 2022 – 2027 cũng được ra mắt. Hội ngành hàng sen Đồng Tháp thành lập nhằm hỗ trợ hoạt động trồng trọt, sản xuất, kết nối thị trường, nâng cao kỹ năng bán hàng, tiếp cận các kênh phân phối hiện đại; xây dựng mô hình thí điểm các chuỗi liên kết nông dân – doanh nghiệp – nhà khoa học – nhà nước để tạo lập và phát triển thị trường.

Dịp này, Ủy ban nhân dân tỉnh tôn vinh, ghi nhận sự đóng góp của nông dân trồng sen, những cơ sở, doanh nghiệp chế biến sản phẩm sen và mong muốn nông dân, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tiếp tục phát huy để góp phần phát triển ngành hàng sen của tỉnh nhà trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đoàn Tấn Bửu (bìa phải) biểu dương nông dân trồng sen.

Nguyệt Ánh

0/5 (0 Reviews)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tin mới