Trước Tết Nguyên đán, cả gia đình tôi dương tính với nCoV.
Chưa kịp mua cây đào, đồ ngọt, bánh chưng và gà cúng, chúng tôi đã phải ở im trong nhà cách ly. Tôi nhớ hôm đầu tiên được y tế phường triệu tập xét nghiệm, tôi ngầm hiểu đó là ngày cuối cùng mình được ở ngoài trong dịp lễ.
Bước khỏi nơi xét nghiệm, tôi gặp cô bán hàng rong đẩy chiếc xe đầy đồ ăn vặt thơm phức, bao gồm xúc xích rán, bánh mỳ và đặc biệt nhất là bánh chưng rán, xếp ngay ngắn trên chiếc mâm mà bên dưới là bếp lửa. Hình ảnh này rất quen thuộc với tôi ngày còn đi học. Tôi không cưỡng được việc mua một suất bánh chưng rán và nhanh chóng về nhà.
Đó là miếng bánh chưng ngon nhất tôi từng được ăn. Không phải vì nó giúp tôi níu kéo chút không khí Tết về nhà, mà chỉ vì nó ngon và tiện lợi khi tôi cảm thấy đói. Tôi không phải làm quá nhiều bước để thưởng thức thứ ẩm thực được xã hội khoác lên nhiều giá trị có tính lễ nghi này. Đơn giản, tôi đổ chiếc bánh từ hộp xốp ra giấy, tưới xì dầu và ăn.
Mấy ngày cách ly cuối cùng, tôi theo dõi một cuộc tranh cãi khá gay gắt trên mạng xã hội về giá trị của bánh chưng. Với ngôn ngữ từ “tinh hoa” đến “chợ búa”, người thì chê món ăn là thứ thực phẩm bất tiện và lỗi thời, kẻ thì tâng nó thành đại diện của giá trị truyền thống dân tộc.
Hình tượng chiếc bánh hiện ra trong đối thoại của cộng đồng mạng có vẻ không giống với chiếc bánh đời thường; hay ít nhất là không giống với những chiếc tôi hay ăn.
Gia đình tôi đã bỏ gói bánh chưng ngày Tết từ lâu vì tốn công và sợ lãng phí. Vì vậy tôi không quá nhạy cảm với hình dạng vuông chằn chặn hay méo mó của bánh chưng như nhiều người khác.
Ngay cả khi chiếc bánh được đặt trịnh trọng trên ban thờ, tôi cũng không nghĩ nhiều đến tính biểu tượng của trời đất, âm dương hàm ẩn trong thức quà này. Sau khi bánh được hạ xuống khỏi không gian linh thiêng của tổ tiên và đặt vào không gian của bàn ăn gia đình, không ai quan tâm về tính thẩm mỹ của nó sau khi bị xắn ra thành nhiều mảnh…
Điều đó không có nghĩa bánh chưng không còn giá trị về văn hoá. Có nhiều cách hiểu về văn hoá mà không nhất thiết phải là thứ gì linh thiêng, hồn túy và không bao giờ thay đổi.
Theo nhà nhân học Gary Ferraro, văn hóa là tất cả những gì con người có, con người nghĩ và con người làm với tư cách là những thành viên của một xã hội. Như vậy một khi chúng ta vẫn coi bánh chưng là một phần đời sống của mình, dù ở dạng này hay dạng khác, thì nó vẫn là một phần quan trọng của nền văn hoá liên tục nhiễu động và đổi thay.
Chiếc bánh chưng tôi yêu quý không nằm trên bàn thờ hay truyền thuyết, mà nằm ở những hàng rong ngoài vỉa hè đường phố. Bên cạnh chiếc tôi ăn hôm trước cách ly, tôi nhớ những chiếc bánh chưng rán được bán bằng xe đẩy trước cổng trường hồi tôi còn là sinh viên. Mùi thơm của bánh khiến chiếc bụng cồn cào sau nhiều tiết học thôi thúc tôi phải chạy tới thật nhanh. Mỗi suất mười nghìn đồng, được đặt trong đĩa nhựa với một ít giò và tương ớt. Địa điểm thưởng lãm ẩm thực cũng giản dị: mấy chiếc ghế nhựa quây quần bên cái mâm đặt trên bếp lửa nóng hôi hổi.
Giá trị văn hóa của bánh chưng không nằm ở cách bài trí món ăn hay phong cách “Tây-Ta” của nhà hàng. Chiếc bánh giản dị nhất cũng có thể gợi ra cảm thức thuộc về cho người thưởng thức. Ăn suất bánh mười nghìn đồng ngoài cổng trường, tôi nhận ra mình thuộc về cộng đồng sinh viên không dư giả tiền bạc, cộng đồng ẩm thực quen thuộc với gạo nếp và đỗ xanh, hay rộng hơn là cộng đồng những người cùng tự gọi mình là “người Việt”.
Có lẽ đối với tầng lớp bình dân, không ai vừa ăn bánh chưng vừa nghĩ tới chủ nghĩa dân tộc. Món ăn này đã quen thuộc tới nỗi người ta thường xuyên không đặt câu hỏi về sự hiện diện của nó, hoặc chỉ coi nó như một chất liệu của kỷ niệm. Tương tự với văn hoá, người ta sống trong nó và coi nó là bình thường, mà không phải liên tục giải thích rằng “đây là văn hóa của tôi”. Giống như con cá sống trong nước vậy.
Trong thời đại toàn cầu hoá, bản sắc tập thể là thứ cảm tưởng như dễ bị lung lay và khiến nhiều người cảm thấy cần phải bảo vệ. Khi ấy, bánh chưng và nhiều sản phẩm thường nhật khác bất đắc dĩ trở thành điểm neo của truyền thống văn hóa. Chúng bỗng bị bội thực giá trị và ngắt kết nối với đời sống thường nhật.
Nhưng truyền thống ấy chỉ đi tiếp về tương lai khi những sản phẩm của nó, như chiếc bánh chưng, được sống cuộc đời của riêng mình. Chiếc bánh có thể nằm nghiêm chỉnh và sạch sẽ trên ban thờ, có thể méo mó nằm trong suất ăn vặt của sinh viên, và thậm chí được nấu thành cháo.
Năm nay, cộng đồng mạng Việt Nam có trào lưu cắt bánh chưng thừa dịp Tết thành nhiều lát rồi đun sôi trong nước gà cùng hành khô, thịt gà xé phay và một ít gia vị. Chỉ trong mười phút, chiếc bánh sẽ trở thành bốn tô cháo vừa lạ lẫm, vừa quen thuộc dành cho người yêu ẩm thực.
Những người quan tâm đến giá trị truyền thống có lẽ nên vui với sự thay đổi của bánh chưng. Món ăn này vẫn sẽ còn sống lâu trong văn hóa bình dị của chúng ta, dù theo những cách ta ít ngờ đến.
Vũ Hoàng Long
(https://vnexpress.net/)