Chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa để quảng bá các giá trị văn hóa của Việt Nam ra thế giới, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại nhằm xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn điện, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước, góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Đó là mục tiêu của Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam.
Ở Đồng Tháp, từ khi triển khai thực hiện Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 tại tỉnh Đồng Tháp vào năm 2015, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với vai trò và sự cần thiết của văn hóa đối ngoại được nâng lên; hoạt động văn hóa đối ngoại của tỉnh đạt nhiều kết quả nổi bật như việc hoàn tất hồ sơ trình UNESCO công nhận nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; xây dựng biểu trưng văn hóa “Bé Sen”, lấy hình ảnh hoa Sen làm chủ đề trong các hoạt động văn hóa của tỉnh và giao lưu với bạn bè quốc tế; dàn dựng, biểu diễn nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật song ngữ phục vụ Nhân dân và kiều bào Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Campuchia; quan tâm, tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng lưu học sinh được tiếp nhận thông tin và sản phẩm văn hóa từ trong nước, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa Việt Nam trong gia đình, trong sinh hoạt cộng đồng của người Việt Nam ở nước ngoài.
Công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh địa phương của tỉnh được thực hiện thường xuyên, liên tục, có chiều sâu thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, kết hợp với các chương trình thông tin quảng bá, giới thiệu vùng đất, văn hóa, con người Đồng Tháp. Dàn dựng và biểu diễn văn nghệ phục vụ các sự kiện đối ngoại, chuyến thăm, làm việc của lãnh đạo các tỉnh thuộc vương quốc Campuchia, Lào, Nhật Bản, Hàn Quốc,… tại Đồng Tháp, tham dự các chương trình giao lưu văn hóa, thể thao với các nước trong khu vực; tham dự triển lãm, thi hoa lan quốc tế và quảng bá hình ảnh của tỉnh tại các nước trong khu vực như: Thái Lan, Đài Loan, Malaysia, Nhật Bản… Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như sản phẩm văn hóa của tỉnh đưa ra nước ngoài còn ít về số lượng; đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa đối ngoại hạn chế về ngoại ngữ, văn hóa của các nước; ngân sách hàng năm bố trí cho hoạt động văn hóa đối ngoại chưa nhiều.
Trong thời gian tới, tình hình khu vực, thế giới được dự đoán có nhiều chuyển biến phức tạp đòi hỏi cần đẩy mạnh các hoạt động văn hóa đối ngoại nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội của tỉnh phát triển bền vững.
Mục đích hướng tới của tỉnh là phát triển toàn diện văn hóa, con người Việt Nam, đưa văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh góp phần thúc đẩy phát triển đất nước phồn vinh, bền vững; tăng cường giao lưu, hiểu biết giữa hân dân Việt Nam và nhân dân các nước, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam nói chung, Đồng Tháp nói riêng trên trường quốc tế theo đúng định hướng của Đảng. Tăng cường, chủ động hợp tác và giao lưu, quảng bá hình ảnh văn hóa, con người Đồng Tháp ra thế giới; mở rộng mối quan hệ hợp tác với các nước trên các lĩnh vực mà tỉnh ta có thế mạnh. Đồng thời bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam nói chung, đặc trưng văn hóa và con người Đồng Tháp nói riêng.
Trước hết, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức trên các kênh thông tin trong và ngoài nước nhằm nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân hiểu biết và thực hiện công tác văn hóa đối ngoại; tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với vấn đề hội nhập, chủ quyền biên giới, nội dung hợp tác các quốc gia có quan hệ hữu nghị; các quan điểm, mục tiêu của Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; những hoạt động văn hóa đối ngoại nổi bật của Việt Nam và của tỉnh Đồng Tháp.
Triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam giai đoạn từ nay đến năm 2030; tiếp tục phát triển một số ngành tạo tiền đề cho ngành công nghiệp văn hóa ở Đồng Tháp hình thành, song hành với công tác thông tin đối ngoại và ngoại giao văn hoá gắn với phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ Tổ quốc, góp phần thúc đẩy văn hóa và văn hóa đối ngoại phát triển bền vững; phát triển văn hóa số, chú trọng ứng dụng khoa học, công nghệ, thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào hoạt động văn hóa đối ngoại.
Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống Việt Nam và nét đặc trưng văn hóa, con người Đồng Tháp, tạo điểm nhấn nổi bật, làm cơ sở để xây dựng hình ảnh địa phương; giới thiệu tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh ra nước ngoài thông qua các hoạt động như văn hóa; xúc tiến, quảng bá văn hóa, du lịch với các tổ chức, địa phương trong và ngoài nước; tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa nhân dân.
Đẩy mạnh hoạt động văn hóa đối ngoại gắn với công tác đối ngoại của tỉnh; tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là Vương quốc Campuchia, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào được tiếp cận thông tin và sản phẩm văn hóa từ trong nước, góp phần gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc và tỉnh nhà. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ ngoại ngữ và kiến thức chuyên ngành cho đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại của tỉnh.
Tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại “Hòa nhập nhưng không hòa tan”; phát triển các thương hiệu festival, lễ hội, sự kiện văn hóa – nghệ thuật chất lượng; thường xuyên, kịp thời trao đổi những thông tin, tình hình trên lĩnh vực văn hóa đối ngoại có nội dung sai sự thật, xuyên tạc, chống phá Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.
Ngoài ra, vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung, người Đồng Tháp nói riêng hướng về quê hương, đầu tư, sản xuất kinh doanh thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Đ.D – Báo Đồng Tháp