3 C
New York
Thứ sáu, 22 Tháng mười một 2024

Buy now

spot_img

Bản tin thị trường – ngày 02/7/2021

1/ Giá vàng miếng SJC hiện đang ở mức 56,35 – 56,95 triệu đồng/lượng, tăng tiếp 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán ra. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco đang ở mức 1.777,4 USD/ounce, tăng 7,2 USD, tương đương 0,41% so với chốt phiên trước. Được biết, giá vàng thế giới đã tăng nhẹ khi lo ngại về biến thể dễ lây nhiễm Delta của Covid-19 thúc đẩy nhu cầu đối với tài sản an toàn.

2/ 05 tấn xoài xanh Việt Nam vừa cập bến Australia do công ty Dalat Import Export (Melbourne) nhập khẩu và phân phối cùng với công ty Asean Produce Pty, đây là một phần trong chương trình xúc tiến “Ẩm thực xoài xanh, phong vị quê hương” được Thương vụ Việt Nam tại Australia triển khai đến hết tháng 7/2021. Hiện các cửa hàng, siêu thị tại khu vực Melbourne, Sydney đang bán xoài xanh Việt Nam được bán với giá 15 -17 AUD/1kg (tuỳ khu vực). Kể từ năm 2019, xoài xanh là mặt hàng được Thương vụ Việt Nam tại Australia lựa chọn đẩy mạnh tiếp thị, kết nối giao thương, cùng với sầu riêng đông lạnh, gạo và các nông sản đặc trưng vùng miền đông lạnh để nhằm thực hiện việc đa dạng hoá mặt hàng xuất khẩu. Năm 2020, lượng xoài xanh Việt Nam xuất sang Australia tăng gấp đôi so với năm 2019.

Xoài xanh Việt Nam tại thị trường Australia. Ảnh: Bnews

3/ Hàng hóa Việt Nam sang Anh vẫn tăng trưởng tốt nhờ Hiệp định UKVFTA. Theo Tổng cục Hải Quan, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đạt 598,07 triệu USD, tăng lần lượt 84,61% so với tháng 1/2020 và 56,51% so với tháng 12/2020. Đây là mức tăng trưởng thực sự ấn tượng trong bối cảnh xuất khẩu sang nhiều bạn hàng lớn gặp khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Ngoài ra, hết quý I/2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Anh đạt hơn 1,63 tỷ USD. Trong đó, cán cân thương mại của Việt Nam thặng dư hơn 1,3 tỷ USD. Tuy nhiên, dư địa tăng trưởng thị trường tại Anh cho sản phẩm Việt Nam còn rất lớn bởi tất cả các sản phẩm xuất khẩu Việt Nam chỉ chiếm không quá 1% thị phần trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Anh. Mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai quốc gia chỉ mang tính bổ sung thay vì cạnh tranh.

4/ Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) vừa công bố báo cáo Chỉ số an toàn thông tin toàn cầu (GCI) năm 2020, trong đó Việt Nam đã tăng 25 bậc trong 2 năm, vươn lên vị trí thứ 25 trên tổng số 194 quốc gia, vùng lãnh thổ; và đứng thứ 7 trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương và thứ 4 trong khu vực Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Theo đó, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan để đứng ở vị trí thứ 4 trên tổng số 11 quốc gia thuộc khu vực ASEAN. Được biết, ITU đã ghi nhận và đánh giá cao những cố gắng của Việt Nam trong việc xây dựng những đề án phát triển trong dài hạn về nguồn nhân lực an toàn, an ninh mạng. Cùng với đó là tạo ra Hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng “Made in VietNam”.

5/ Theo chính phủ Trung Quốc, lực lượng lao động của nước này sẽ giảm 35 triệu người trong vòng 5 năm tới. Điều này không chỉ gây áp lực cho hệ thống lương hưu nhà nước mà còn buộc Bắc Kinh phải áp dụng các biện pháp mới để đáp ứng thách thức về nhân khẩu học. Theo điều tra dân số mới nhất, số người trong độ tuổi lao động ở Trung Quốc (tức từ 16 – 59 tuổi) đã giảm 40 triệu người trong 10 năm qua tính đến năm 2020 và hiện chiếm 62,3% dân số. Số liệu điều tra dân số cho thấy, nếu độ tuổi nghỉ hưu tăng lên 65 tuổi, lực lượng lao động Trung Quốc sẽ có thêm 73,4 triệu người. Được biết, Bắc Kinh đã đặt mục tiêu tạo ra hơn 50 triệu việc làm mới ở khu vực thành thị trong giai đoạn 2021-2025, thấp hơn đáng kể so với mức 65,6 triệu việc làm đạt được trong 5 năm trước đó.

6/ TikTok đã bắt đầu cho phép người dùng tại một số nơi đăng tải những video có độ dài 3 phút, tức là gấp 3 lần so với giới hạn thời lượng ban đầu. Động thái mới này được cho là nhằm nâng tính cạnh tranh của ứng dụng này so với các đối thủ. Trước đó, TikTok cho phép người dùng đăng các video có thời lượng tối đa 60 giây và chèn thêm các hiệu ứng đặc biệt như ghép nhạc nền được cung cấp trong một thư viện nhạc có sẵn. Hiện nay, TikTok vẫn thuộc nhóm những ứng dụng mạng xã hội phổ biến nhất trên thế giới nhưng lĩnh vực chia sẻ video ngắn cũng đã xuất hiện những đối thủ đáng gờm như YouTube, Triller và nhiều ứng dụng khác. Mới đây, mạng chia sẻ hình ảnh Instagram thuộc sở hữu của Facebook cũng tuyên bố thử nghiệm các tính năng chia sẻ video để bắt kịp xu hướng.

7/ Theo dự báo của Văn phòng Ngân sách thuộc Quốc hội Mỹ, kinh tế Mỹ đang hồi phục nhanh hơn các dự báo trước đó nhưng ngân sách quốc gia sẽ tiếp tục thâm hụt hơn 3.000 tỷ USD trong tài khóa 2021. Cơ quan này lý giải gói kích thích kinh tế quy mô lớn được thông qua hồi tháng 3 vừa qua sẽ khiến chi tiêu ngân sách tăng mạnh và đẩy thâm hụt lên gấp 3 lần mức ghi nhận năm 2019. Tính theo quy mô kinh tế, thâm hụt ngân sách 2021 của Mỹ dự báo ở mức 13,4% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), mức cao thứ 2 tính từ năm 1945. Trong khi đó, nợ công liên bang ước tính tăng lên mức 23.000 tỷ USD, tức là gần 103% GDP. Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh và thị trường việc làm cải thiện nhanh chóng trong nửa cuối năm nay, CBO dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng khoảng 6,7% trong cả năm, tức là cao hơn 2 điểm % so với báo cáo hồi tháng 2 vừa qua.

8/ 130 quốc gia đã đồng ý về quy định áp mức thuế tối thiểu trên phạm vi toàn cầu và phân bổ lại doanh thu từ thuế đối với các tập đoàn lớn, có lợi nhuận cao. Theo đó, kế hoạch cải cách thuế toàn cầu bao gồm 2 điểm chính. Thứ nhất là áp mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% đối với các doanh nghiệp có doanh thu trên 750 triệu euro (tương đương 888 triệu USD). Thứ 2 là đưa ra những quy định buộc các tập đoàn công nghệ như Amazon và Facebook cùng nhiều doanh nghiệp lớn trên toàn cầu phải đóng thuế tại các quốc gia mà họ bán sản phẩm và dịch vụ dù có đặt trụ sở tại đó hay không. Khi được thực thi, thỏa thuận này sẽ ngăn chặn các quốc gia tham gia vào cuộc đua cắt giảm thuế để thu hút doanh nghiệp. Đây cũng có thể là dấu chấm hết cho cuộc chiến thương mại toàn cầu về thuế đang âm ỉ về việc đánh thuế các công ty như Amazon, Google, Facebook…

9/ Theo báo cáo của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), protein từ côn trùng trong thức ăn chăn nuôi có thể thay thế 20% lượng đậu tương tiêu thụ của Vương quốc Anh vào năm 2050. Số liệu này đã buộc chính phủ, ngành nông nghiệp và các chuyên gia khoa học Vương quốc Anh phải đẩy nhanh việc sử dụng protein từ côn trùng trong thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Anh hiện chỉ mới đáp ứng chưa đến một nửa nhu cầu về loại protein này. Từ nhiều năm qua, đậu tương dần trở thành thành phần chính của thức ăn chăn nuôi tại nước Anh nói riêng và thế giới nói chung. Tuy nhiên, việc tăng sản lượng thức ăn làm từ đậu tương lại liên quan đến nạn phá rừng tại Nam Mỹ. Thống kê từ các cơ quan thương mại của Anh cho thấy, hơn 1 triệu tấn đậu tương được sử dụng tại những trang trại nước này vào năm 2019 có thể liên quan đến nạn phá rừng.

Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA

0/5 (0 Reviews)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tin mới