Sáng ngày 15/6/2021, Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh về tiếp tục thực hiện Đề án Tạo dựng hình ảnh địa phương gắn với Phát triển du lịch Đồng Tháp giai đoạn 2021 – 2025, đồng chí Đoàn Tấn Bửu – Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tỉnh chủ trì Hội thảo.
Tham gia ý kiến tại Hội thảo, Sở Nông nghiệp và PTNT gợi ý một số nội dung đóng góp cho dự thảo đối với góc nhìn của ngành nông nghiệp về nâng cao hình ảnh địa phương, đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp. Tỉnh hiện có diện tích vùng trồng cây ăn trái đạt trên 33.000ha. Trong những năm gần đây, Tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung xây dựng nền nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với văn hóa bản địa để phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, tạo thêm việc làm ở nông thôn, đem lại nguồn thu ổn định cho nông dân. Một trong các mô hình nông nghiệp kết hợp với du lịch mang lại hiệu quả đó là vườn cây ăn trái. Đặc biệt, năm 2020 đã có 03 sản phẩm du lịch trãi nghiệm gắn với nông nghiệp được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn 3 sao OCOP (Khu vui chơi miệt vườn Happy Land Hùng Thy, Homestay Ngô Nhà Hoa Ếch, Vườn Kiểng Ngọc Lan).
Đây là những mô hình, điểm đến cho du khách trong và ngoài tỉnh tham quan, tìm hiểu về tập quán canh tác và thưởng thức những trái cây ngon, đặc sản của tỉnh; góp phần tăng thu nhập cho các hộ tham gia làm du lịch, giải quyết việc làm cho người dân địa phương, hình thành hệ thống du lịch sinh thái vườn, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn một cách bền vững hơn.
Có thể thấy, tốc độ phát triển các loại hình du lịch nông nghiệp khá nhanh, nhưng chủ yếu quy mô nhỏ, những đơn vị có đủ khả năng khai thác chuyên nghiệp không nhiều; sản phẩm du lịch nông nghiệp còn đơn giản, mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, trùng lặp chưa thực sự hấp dẫn du khách và chưa được chú trọng về thương hiệu. Đặc biệt, phần lớn người nông dân chỉ quen sản xuất nông nghiệp, các đơn vị, hộ gia đình tổ chức hoạt động du lịch chưa chuyên nghiệp; còn lúng túng trong quản lý, vận hành, khai thác tiềm năng, thúc đẩy nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch nông nghiệp. Bên cạnh đó, tốc độ đầu tư một số công trình hạ tầng phục vụ cho nông nghiệp kết hợp với du lịch chưa đáp ứng với nhu cầu thực tế, đặc biệt là việc thu hút đầu tư chiến lược, tạo đột phá phát triển du lịch Tỉnh. Ngoài ra, việc hỗ trợ đào tạo kỹ năng giao tiếp ứng xử, đón tiếp và phục vụ khách của các điểm tham quan còn hạn chế, đặc biệt là các điểm khởi nghiệp từ mô hình du lịch nông nghiệp.
Phát triển du lịch nông nghiệp hiệu quả sẽ góp phần thực hiện đồng thời hai mục tiêu là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đạt mục tiêu về xây dựng nông thôn mới bền vững. Sở Nông nghiệp và PTNT đề xuất một số giải pháp cho dự thảo Kết luận như:
(1) Rà soát, quy hoạch phát triển du lịch nông nghiệp phải gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới; xây dựng bản đồ du lịch nông nghiệp trong đó chỉ ra các khu vực có khả năng phát triển sản phẩm nông thôn đặc trưng trên cơ sở liên kết hình thành tuyến du lịch. Ngành du lịch và nông nghiệp cần phối hợp điều tra, khảo sát hoạt động du lịch nông nghiệp tại địa phương để đánh giá toàn diện thực trạng phát triển cũng như khuyến nghị mô hình phát triển du lịch nông nghiệp phù hợp…
(2) Xây dựng kế hoạch để quảng bá sản phẩm du lịch nông nghiệp phải gắn với chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) để xây dựng thương hiệu của địa phương, đưa sản phẩm OCOP vào tiêu dùng du lịch.
(3) Đào tạo, tập huấn nhân lực cho du lịch nông nghiệp gồm: cán bộ ngành du lịch của tỉnh, huyện, các nhà vườn tại các điểm du lịch nông nghiệp, từng bước nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng trong quản lý, vận hành, phục vụ du khách,…; tổ chức cho nhà vườn tại các điểm du lịch đi tham quan thực tế mô hình phát triển nông nghiệp bền vững tại một số tỉnh để giúp nhà vườn có thêm kiến thức làm du lịch, phát huy hơn nữa hiệu quả của du lịch nông nghiệp.
(4) Đẩy mạnh liên kết vùng để phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp nhằm đa dạng hoá sản phẩm phục vụ cho du lịch gắn với xây dựng vùng nguyên liệu sạch để phục vụ cho khách hàng, vì hiện nay khách đến tham quan, trãi nghiệm không chỉ quan tâm đến dịch vụ mà còn rất quan tâm tới thực phẩm ngon, sạch.
(5) Đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, giao thông, cơ sở vật chất phục vụ cho sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch nhằm kết nối đến các điểm du lịch, vườn trái cây phục vụ du lịch, đảm bảo đồng bộ với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KTXH của địa phương trong tình hình mới.
(6) Tổ chức khảo sát và hỗ trợ các điểm nhà vườn trồng cây ăn trái, khu sinh thái để chọn lựa mô hình có đủ điều kiện để phát triển thành các điểm du lịch trải nghiệm chuyên nghiệp. Từ đó, xây dựng một số mô hình trình diễn về trồng cây ăn trái theo hướng sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao kết hợp với tham quan và du lịch trải nghiệm.
– Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp các ngành liên quan thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ cho các cơ sở, trang trại, HTX, THT, Hội quán, hộ gia đình… nhằm kết nối với các tuyến du lịch, các khu di tích, văn hóa, lịch sử để phát triển mô hình du lịch trải nghiệm trong thời gian tới.
T.Vương