Thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa, thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp triển khai nhiều giải pháp trong tổ chức lại sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông sản gắn với xuất khẩu đối với các ngành hàng chủ lực…
Nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản xuất
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), thời gian qua, tỉnh triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp với nhiều nội dung trọng tâm hướng đến “Hợp tác – Liên kết – Thị trường” và “Giảm chi phí – Tăng chất lượng – Chế biến tinh”. Trong đó, hoàn thành công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch nông nghiệp, phát triển nông thôn theo định hướng nâng cao giá trị gia tăng, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ. Đối với ngành hàng lúa gạo, diện tích sử dụng nhóm giống lúa cho chất lượng cao được nâng cao; ứng dụng quy trình tiên tiến trong sản xuất và quản lý dịch bệnh, thực hiện xả lũ luân phiên trên cánh đồng sản xuất 3 vụ được đẩy mạnh. Qua đó, giúp bà con tăng năng suất lúa bình quân thêm 125kg/ha/vụ; lợi nhuận bình quân đạt gần 19 triệu đồng/ha/vụ.
Đối với hoa màu – cây công nghiệp ngắn ngày, tỉnh chú trọng thực hiện chuyên canh và xen canh với tổng diện tích gieo trồng đạt trên 35.700ha. Mô hình sản xuất sạch, an toàn tiếp tục được nhân rộng, nâng cao năng suất, chất lượng, lợi nhuận bình quân đạt 221 triệu đồng/ha/vụ. Diện tích cây ăn trái từng bước hình thành chuyên canh quy mô lớn, ứng dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất theo quy trình an toàn, truy xuất nguồn gốc, tăng năng suất, đáp ứng được thị trường trong và ngoài nước.
Thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng giống cá tra, tỉnh phối hợp với Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II phân bổ hơn 30 ngàn con cá tra chọn giống mang tính trạng tăng trưởng và kháng bệnh cho các cơ sở sản xuất giống thủy sản nhằm nâng cao chất lượng con giống và từng bước thay thế đàn cá tra địa phương…
Bên cạnh đó, tỉnh cũng triển khai áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, bảo vệ uy tín, góp phần nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của nông sản hàng hóa phục vụ xuất khẩu. Qua đó, góp phần hạn chế thấp nhất về thiệt hại cho sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản. Ngoài ra, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thực hành sản xuất an toàn gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản…
Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Châu Thành định hướng quy hoạch sản xuất phù hợp với điều kiện từng địa phương, từng khu vực. Ông Nguyễn Văn Mười – Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Thuận (xã An Phú Thuận, huyện Châu Thành) cho biết: “Thời gian qua, nhằm nâng cao giá trị nông sản, đơn vị xây dựng quy trình chuẩn sản xuất từ khâu gieo sạ đến thành phẩm. Cùng với đó, thực hiện mô hình sử dụng phân bón thông minh và máy cấy lúa tự động để ổn định sản xuất. Mỗi vụ lúa, các thành viên được tập huấn chuyển giao khoa học – kỹ thuật trong sản xuất lúa, xuống giống đồng loạt; áp dụng các giải pháp kỹ thuật “1 phải 5 giảm”.
Ông Phan Thanh Dũng – Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết, để tạo ra những giá trị nông nghiệp bền vững, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất theo hướng an toàn, liên kết chặt chẽ trong sản xuất, tham gia vào mô hình kinh tế hợp tác nhằm tạo vùng nguyên liệu tập trung đáp ứng việc liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, vận động nông dân áp dụng cơ giới hóa, khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm giảm chi phí và tăng thu nhập. Địa phương còn hỗ trợ các hợp tác xã tiếp cận các chính sách để đầu tư trang thiết bị máy móc vào trong sản xuất, chế biến, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu…
Hướng đến xuất khẩu nông sản
Theo Sở NN&PTNT Đồng Tháp, thời gian qua, Đồng Tháp chú trọng công tác quản lý về chất lượng, an toàn thực phẩm, ngăn chặn tình trạng sử dụng kháng sinh cấm và hóa chất độc hại trong sản xuất và kinh doanh nông sản, thủy sản hàng hóa. Trong lĩnh vực trồng trọt, các ngành hữu quan địa phương tuyên truyền các quy định về an toàn thực phẩm và đảm bảo chất lượng bảo vệ sức khỏe cộng đồng cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Thẩm định, chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông sản có nguồn gốc thực vật. Ngoài ra, định kỳ thực hiện công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối nông sản đang lưu thông, tiêu thụ trên thị trường, tổ chức ký cam kết sản xuất nông sản an toàn…
Hiện nay, huyện Lấp Vò có 54ha cây ăn trái, 35ha khoai môn được chứng nhận VietGAP; 70ha ấu sản xuất theo hướng an toàn. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 6 mã số vùng trồng cây ăn trái được cấp mã số. Nhằm đảm bảo yêu cầu của các kênh tiêu thụ khó tính và xuất khẩu, nông dân địa phương tuân thủ tốt quy trình sản xuất, tuân thủ việc sử dụng và thời gian cách ly của thuốc bảo vệ thực vật trước khi thu hoạch.
Ông Trần Hoàng Nam – Phó Chủ tịch UBND huyện Lấp Vò cho biết, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất và tiếp tục hỗ trợ nông dân thực hiện chứng nhận an toàn, đăng ký mã số vùng trồng đối với các nông sản chủ lực. Bên cạnh đó, đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, kết hợp với đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất các ngành hàng nông sản chủ lực. Địa phương cũng quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng phù hợp cho vùng sản xuất chuyên canh để chủ động trong sản xuất và vận chuyển nông sản khi thu hoạch”.
Ông Phan Thanh Dũng – Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành thông tin, huyện sẽ thực hiện nhiều giải pháp đối với từng ngành hàng chủ lực trong thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp. Trong đó, xác định sản xuất phù hợp với điều kiện từng địa phương, từng khu vực để phát huy hết tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đồng thời chỉ đạo ngành chuyên môn huyện nghiên cứu, triển khai nhiều mô hình ứng dụng khoa học giúp tăng giá trị sản phẩm và tăng lợi nhuận trên đơn vị diện tích đất canh tác. Hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác tiếp cận các chính sách để đầu tư trang thiết bị máy móc vào trong sản xuất, chế biến để từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm…
Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai và thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025, trong đó, gắn với việc tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững dựa trên tiềm năng và định hướng thị trường, sản xuất quy mô lớn gắn với an toàn, chất lượng và truy xuất nguồn gốc; củng cố và nhân rộng các mô hình “Hợp tác, Liên kết và Thị trường”. Trong đó, nâng cao năng lực cho nông dân và doanh nghiệp đóng vai trò nòng cốt kết nối với các tác nhân khoa học công nghệ, nhà phân phối và cơ chế chính sách của Nhà nước, chủ động trong tổ chức sản xuất các chuỗi giá trị các ngành hàng chủ lực của tỉnh.
Ngoài ra, Sở NN&PTNT cùng các ngành, chuyên gia sẽ hỗ trợ nông dân, cơ sở sản xuất và doanh nghiệp áp dụng quy tình thực hành sản xuất tốt (GAP), truy xuất nguồn gốc trong nuôi trồng; áp dụng hệ thống giám sát chất lượng tiên tiến trong sơ chế, bảo quản và chế biến sản phẩm nông nghiệp. Cung cấp cho nông dân, cơ sở sản xuất và doanh nghiệp các giải pháp khoa học công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, kỹ thuật số để tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp có giá thành thấp, chất lượng tốt, cung cấp nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến nông sản, hướng đến xuất khẩu…
TRANG HUỲNH – Báo Đồng Tháp