Nền tảng của “tư duy chiến lược” bao gồm một số nguyên tắc cơ bản đơn giản, là căn nguyên của ngành khoa học chiến lược. Những nguyên tắc ấy hoàn toàn có thể giúp bất cứ ai, dù thuộc tầng lớp xã hội nào, làm ngành nghề gì, cũng có thể trở thành những chiến lược gia có nghề.
Ngành khoa học của tư duy chiến lược mà chúng tôi muốn nói đến được gọi là lý thuyết trò chơi (game theory) – là một ngành khoa học non trẻ được hình thành khoảng 50 năm. Giống như mọi ngành khoa học khác, tư duy chiến lược được biểu hiện bằng các biệt ngữ và toán học. Đây chính là điểm hạn chế của ngành, bởi nó không cho phép tất cả mọi người, ngoại trừ các chuyên gia, hiểu được những ý tưởng cơ bản. Trong cuốn sách Tư duy chiến lược – Lý thuyết trò chơi thực hành, hai tác giả Avinash K.Dixit và Barry J.Nalebuff đã cố gắng cụ thể hóa tất cả các lý thuyết toán học và các biệt ngữ bằng các tình huống gần gũi với cuộc sống, bên cạnh một phần số học, các đồ thị và bảng biểu.
Cuốn sách này không giới hạn các ý tưởng trong bất cứ tình huống cụ thể nào mà đưa ra rất nhiều ví dụ minh họa cho mỗi nguyên tắc cơ bản. Việc đưa ra các tình huống đa dạng giúp bạn đọc thuộc nhiều nghề nghiệp, tầng lớp xã hội khác nhau tìm thấy được những điểm quen thuộc, đồng thời họ cũng sẽ tự tìm ra mối liên hệ thông qua các tình huống đó. “Tư duy chiến lược” đã mang đến cho nhiều người một cách nhìn mới về mọi sự kiện, hiện tượng trong xã hội, kể từ văn học, phim ảnh và thể thao cho đến các sự kiện chính trị, lịch sử.
Không hề khô khan như nhiều cuốn sách mang nặng tính học thuyết khác, Tư duy chiến lược diễn biến theo kiểu kể chuyện. Nguồn gốc xưa của nó là một khóa học về “trò chơi chiến lược” mà Avinash Dixit triển khai và dạy tại Trường Woodrow Wilson về Các vấn đề cộng đồng và quốc tế thuộc Đại học Princeton. Barry J.Nalebuff sau đó dạy khóa học này, và dạy một khóa học tương tự ở khoa Khoa học chính trị của Đại học Yale và sau đó là tại Trường Tổ chức và Quản trị (SOM) thuộc Đại học Yale.
Đến nay, Tư duy chiến lược – Lý thuyết trò chơi thực hành đã trở thành cẩm nang quen thuộc của nhiều người, nhờ vào tính đúng đắn và khả năng ứng dụng cao trong thực tiễn đời sống của nó.
Nhà kinh tế học Paul Samuelson – người đạt giải Nobel Kinh tế 1970 từng nhận xét: “Để hiểu biết về hiện tại, bạn cần một sự hiểu biết khái quát về Lý thuyết trò chơi. Dixit và Nalebuff đã cung cấp cho bạn những chìa khoá cốt yếu. Bạn sẽ gặt hái được nhiều điều bổ ích và thú vị từ cuốn sách này…”
Đây thực sự là một vũ khí sắc bén trong thương trường, chính trường và cuộc sống.