8.2 C
New York
Thứ sáu, 22 Tháng mười một 2024

Buy now

spot_img

TP.HCM kết nối phát triển du lịch nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long

Với chủ đề “Hợp tác và Hành động”, Diễn đàn kết nối du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ hai năm 2022 diễn ra tại Đồng Tháp vào sáng ngày 20/5.

Diễn đàn thu hút khoảng 200 đại biểu tham dự, trong đó có lãnh đạo Tổng Cục Du lịch Việt Nam, Hiệp hội du lịch, lãnh đạo Ủy ban nhân dân: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Bến Tre, các chuyên gia, doanh nghiệp về du lịch v.v..

Ông Phạm Thiện Nghĩa – Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp luôn kỳ vọng vào sự liên kết giữa các địa phương và đi cùng nhau để phát triển

Ông Phạm Thiện Nghĩa – Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp cho biết, Đồng Tháp vừa khai mạc Lễ hội Sen và hôm nay được đăng cai tổ chức Diễn đàn kết nối du lịch lần thứ hai. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh mong muốn qua Diễn đàn, các tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà đầu tư cùng với lãnh đạo các tỉnh sẽ thảo luận, tìm ra giải pháp tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch.

Tại Diễn đàn lần thứ hai này, các đại biểu tập trung phân tích tiềm năng du lịch của Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là du lịch nông nghiệp, dựa trên 03 thế mạnh chính của vùng đó là cây lúa, trái cây và thủy sản. Mỗi thế mạnh sẽ hình thành chuỗi giá trị sản phẩm du lịch nông nghiệp.

Theo ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, du lịch nông nghiệp là một trong những sản phẩm được ưu tiên phát triển tại nhiều nước trên thế giới. Việc phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn không chỉ tạo ra sản phẩm du lịch mới mà còn thúc đẩy phát triển nhận thức của cộng đồng về bảo vệ tự nhiên, môi trường, kỹ năng bảo tồn đa dạng sinh học; thúc đẩy sự phát triển nông thôn thông qua việc nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, vệ sinh môi trường, tiêu thụ hàng hóa, tạo việc làm, nâng cao dân trí v.v..

Ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại Diễn đàn

Để liên kết phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long, ông Dương Anh Đức cho rằng, các tỉnh cần nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy, đầu tư trạm dừng chân đủ tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, nhất là du lịch quốc tế nhằm tạo động lực để hình thành và phát triển sản phẩm du lịch liên kết vùng, kết hợp quảng bá sản phẩm và đặc sản nông nghiệp các địa phương. Cùng với đó, hỗ trợ, quảng bá sản phẩm du lịch của nhau; có chính sách kích cầu đầu tư, tăng cường xây dựng câu chuyện sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản địa phương; xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp độc đáo, chất lượng v.v..

Chuyên gia du lịch góp ý giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp

Bên cạnh các điểm nghẽn du lịch, các chuyên gia du lịch, lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp nêu một số giải pháp để phát triển du lịch nông nghiệp, đó là cải thiện về giao thông nhằm rút ngắn thời gian di chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, tập trung đào tạo nguồn nhân lực, chăm sóc tốt khách hàng, quan tâm đến vai trò của kinh tế tư nhân trong phát triển du lịch, chú trọng sản phẩm du lịch mang đặc trưng riêng từng địa phương và quảng bá sản phẩm tốt hơn nữa, cập nhật thường xuyên thông tin về điểm đến du lịch lên môi trường mạng v.v..

Thay mặt ban tổ chức, ông Đoàn Tấn Bửu – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp cảm ơn các ý kiến góp ý tại Diễn đàn, đặc biệt ý tưởng về thực hiện dự án nhằm gắn kết chặt chẽ việc hợp tác phát triển du lịch, chú trọng đào tạo nhân lực du lịch, kết nối tour tuyến ở các địa phương.

Kết thúc Diễn đàn, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã trao biểu trưng cho Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre – đơn vị đăng cai tổ chức Diễn đàn kết nối du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ ba, dự kiến diễn ra vào năm 2024.

Nguyệt Ánh

0/5 (0 Reviews)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tin mới