Năm 2021, các startup Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội thu hút vốn đầu tư nếu họ nắm bắt kịp thời nhu cầu của thị trường và đưa ra được những sản phẩm mang lại giá trị cho người dùng.
Đặc biệt là trong những thời điểm nhiều biến động như hiện nay, Đại dịch Covid-19 khiến số lượng doanh nghiệp đóng cửa tăng mạnh. Cùng với đó, cũng ít doanh nghiệp mới được thành lập hơn. Đây không chỉ là thực trạng ở Việt Nam mà là tình cảnh chung trên cả thế giới. Cho nên, không phải vì vậy mà hệ sinh thái khởi nghiệp hạ nhiệt. Ngược lại, thị trường khởi nghiệp Việt Nam trở nên sôi động hơn bao giờ hết.
Đưa ra quyết định hợp lý nhất cho đứa con tinh thần
Bên cạnh đó, giữa những thách thức mà dịch bệnh mang lại, các startup buộc phải đứng giữa lựa chọn nhanh chóng nắm bắt cơ hội để bùng nổ hay đi theo con đường đảm bảo phát triển bền vững. Tùy thuộc vào thực lực và nhận định của mỗi founder, các startup có thể lựa chọn con đường phù hợp.
Một điểm đáng chú ý, đại dịch Covid-19 đã tạo ra những thay đổi lớn trong hành vi của cả người tiêu dùng và doanh nghiệp khi các hoạt động trong đời sống và công việc dần dịch chuyển lên online. Cùng với các ngành vốn đã phát triển mạnh mẽ như thương mại điện tử hay công nghệ tài chính (Fintech), các ngành như EdTech (công nghệ giáo dục), MedTech (công nghệ y tế), Online media (truyền thông trực tuyến), và các giải pháp số cho doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội bứt phá trong thu hút đầu tư trong giai đoạn tới.
Vài năm trở lại đây, thị trường khởi nghiệp Việt Nam được mô tả với cụm từ sôi nổi. Bất chấp việc nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn lớn tăng mạnh. Điều đó cho thấy những tiềm năng to lớn của lĩnh vực này. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra câu hỏi rằng các startup sẽ tận dụng cơ hội, tung hết sức để phát triển bền vững hay sẽ chọn lựa con đường phát triển bền vững.
Hiện tại trong năm nay, trung bình mỗi tháng có gần 12 ngàn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, rất nhiều trong số đó là start-up. Thất bại có thể bắt nguồn từ nhiều lý do, cả chủ quan lẫn khách quan nhưng những startup thành công chắc chắn phải có một mô hình phủ hợp với hành vi của khách hàng trong bối cảnh dịch bệnh.
Để có hướng đi cho Startup tăng trưởng nóng hay bền vững. Các diễn giả, với kinh nghiệm của bản thân cũng như sự gắn bó nhiều năm với thị trường khởi nghiệp sẽ phân tích những mô hình, các điểm được và mất của từng lựa chọn nhằm giúp các founder đưa ra quyết định hợp lý nhất cho đứa con tinh thần của họ.
Điểm đến chung cho các startup Việt
Sự tham dự của lãnh đạo các Tổng công ty thuộc Tập đoàn Viettel, CEO các quỹ đầu tư và các founder của startup thành công được kỳ vọng mở ra cái nhìn toàn diện nhất cho cộng đồng khởi nghiệp Việt. Bên cạnh đó, các buổi tọa đàm cũng sẽ làm nổi bật vai trò của các vườn ươm khởi nghiệp như điểm đến phù hợp cho các startup còn đang loay hoay tìm lối.
Thông qua các buổi tọa đàm, vai trò của Viet Solutions 2021 cũng được nhiều người biết tới hơn. Cuộc thi không dừng lại ở việc chỉ ra thách thức và định hướng phát triển bền vững mà còn là nơi chắp cánh cho những ý tưởng khởi nghiệp có giá trị. Ngoài giải thưởng, các startup tới Viet Solutions còn có cơ hội hoàn thiện sản phẩm nhờ góp ý của Ban Giám khảo cũng như tìm kiếm đối tác, bao gồm Viettel và các tập đoàn lớn khác, để đưa ý tưởng vào cuộc sống.
Đặc biệt, tại Viet Solutions 2021, Bộ Thông tin và truyền thông cùng Viettel và các đơn vị khác sẽ đưa ra những bài toán để các startup đi tìm lời giải. Đây đều sẽ là những vấn đề mà doanh nghiệp, xã hội đang mong đợi giải pháp từ các startup thông qua ứng dụng công nghệ mới như AI và Big Data.
Thay vì mò mẫm tìm kiếm nỗi đau của xã hội và đưa ra lời giải, giờ đây các startup có thể tập trung tìm giải pháp cho vấn đề. Thay đổi này tạo ra những thuận lợi “chưa từng có”, đảm bảo một giải pháp tốt gần như chắc chắn sẽ thành công khi có sự chung tay của các doanh nghiệp lớn ngay từ khâu lên ý tưởng triển khai.
Đặc biệt, đổi mới sáng tạo được coi là yếu tố quan trọng trong việc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tháng 1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành “Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030” với những mục tiêu rõ ràng nhằm cụ thể hoá Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây là dấu mốc quan trọng trong nỗ lực của Chính phủ nhằm tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo diendandoanhnghiep.vn