Năm mới mà đem chuyện cũ ra nói thì hổng biết có gì sai sai không nữa? Vì thường năm mới thì mọi chuyện đều phải mới mẻ, phải liên tưởng tới con đường phía trước. Con đường đó chỗ nào bằng phẳng, chỗ nào gập ghềnh, chỗ nào đạt đỉnh cao, chỗ nào xuống dốc, rồi còn chỗ nào sẽ gặp phải chướng ngại vật bất ngờ, không mong muốn. Nhưng sự đời, chuyện chưa xảy ra thì khó đoán, khó đoán thì khó nói. Ông bà mình còn kiêng khem coi chừng “nói trước bước không qua” đó nghen! Vậy thì nói lại chuyện cũ thôi. “Ôn cố tri tân” biết đâu lại vỡ ra nhiều điều hay!
Chuyện rằng, hình ảnh, thương hiệu Đất Sen Hồng mình đã tiếp tục lan toả đi xa. Nhiều trung tâm nông sản, đặc sản, sản phẩm OCOP quê mình đã hiện diện ở hai thành phố lớn nhất cả nước. Nếu trước đây sản phẩm xứ mình còn rụt rè, khép nép bên cạnh các sản phẩm từ các vùng miền khác thì giờ đã ung dung, tự tin xuất hiện bên cạnh nhau trong không gian đậm chất Sen Hồng. Hàng hoá xứ mình không chỉ được buôn bán theo cách truyền thống mà còn hiện diện trên các trang thương mại điện tử, trang mạng xã hội, với các bộ phận điều phối và mạng lưới cộng tác viên rất chuyên nghiệp. Sản phẩm trên các kệ hàng ngày càng chất lượng hơn, mẫu mã, bao bì bắt mắt hơn, tinh tế hơn, dễ dàng nhận diện hơn. Rất đỗi tự hào khi sản phẩm xứ mình góp phần tạo dựng thương hiệu Đất Sen Hồng. Và thương hiệu Đất Sen Hồng chắp cánh đưa ngày càng nhiều hàng hoá xứ mình đi nhanh hơn, xa hơn, chắc hơn. Đó là kết quả tất yếu của sự đồng hành giữa chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp.
Chuyện rằng, hình ảnh người nông dân Đồng Tháp thấm đẫm tinh thần “Chăm chỉ – Tự lực – Hợp tác”. Bà con tiếp tục tự nguyện tham gia vào các mô hình tự quản. Hình ảnh nông dân chuyên nghiệp, nông dân tử tế đã dần trở thành mục tiêu hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp chuyên nghiệp, nông nghiệp tử tế. Nhiều Hội quán ra đời tiếp tục khẳng định một mô hình dù mới mẻ nhưng giàu sức sống, đầy sự thu hút, hun đúc nên tâm thế đĩnh đạc cho người dân. Nông dân Đất Sen Hồng được mời tham gia vào các diễn đàn khu vực và quốc gia để kể câu chuyện truyền cảm hứng cho nông dân các vùng miền khác. Nhiều Hợp tác xã được thành lập trên nền các Hội quán tạo ra sức sống cho tiến trình chuyển đổi nền nông nghiệp từ manh mún, nhỏ lẻ sang quy mô lớn hơn, bền vững hơn, từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, từ mục tiêu duy nhất là sản lượng sang mục tiêu giá trị tích hợp “công nghiệp – nông nghiệp, du lịch – nông nghiệp, dịch vụ – nông nghiệp”. Bộ mặt nông thôn được dịch chuyển, đổi khác tích cực nhờ kinh tế nông thôn phát triển.
Chuyện rằng, đội ngũ doanh nhân và cộng đồng khởi nghiệp tiếp tục là điểm sáng góp phần tạo nên hình ảnh một “địa phương khởi nghiệp và dưỡng nghiệp”. Nhiều sự kiện, diễn đàn do cộng đồng doanh nghiệp tự đứng ra tổ chức để giúp nhau làm giàu kiến thức kinh doanh, nâng cao kỹ năng quản trị, nâng tầm văn hoá doanh nhân. Những không gian có tính hợp tác cộng đồng, những trăn trở, sáng kiến được chia sẻ từ những doanh nhân giàu tâm huyết như khơi dậy nguồn năng lượng dồi dào, tiếp sức cho nhau, truyền lửa cho nhau, biến thành khát vọng chung cho cả lãnh đạo địa phương. Tinh thần lạc quan trong bối cảnh đại dịch Covid-19 giúp từng doanh nghiệp nhìn lại chính mình, tự tin vào chính mình, sẵn sàng dấn thân, vượt qua thử thách.
Chuyện rằng, một xã hội năng động tiếp tục được kích hoạt. Ý thức về nghĩa vụ, bổn phận công dân, tinh thần thiện nguyện, sẵn sàng làm việc nghĩa, việc tốt trong xã hội được lan toả sâu rộng. Những sáng kiến hay, những hình ảnh đẹp, những tấm gương sáng luôn có mặt hàng ngày hàng giờ trên các trang mạng xã hội được kết nối hiệu quả, thiết thực. Với hiệu ứng của công nghệ thông tin truyền thông, những câu chuyện tích cực tiếp tục được lan truyền, tạo thành làn sóng trong cộng đồng và xã hội. Những hoạt động thiện nguyện tham gia phòng, chống đại dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân vùng bão lũ miền Trung là minh chứng rõ nét cho sự thay đổi trong cách truyền thông, vận động xã hội.
Chuyện rằng, con đường phát triển trong bối cảnh khó khăn chung vẫn tiếp tục có những điểm sáng. Tư duy tích hợp giá trị giữa kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học công nghệ,… bắt đầu được hình thành và dẫn dắt vào các kế hoạch phát triển ngành, địa phương. Chúng ta dần nhận ra và đi đến đồng thuận rằng cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới có quan hệ hữu cơ với nhau, tác động qua lại lẫn nhau. Chúng ta cũng dần nhận ra rằng, đó không đơn thuần chỉ là nhiệm vụ của ngành nông nghiệp mà là chức trách của cả guồng máy phải vận hành một cách nhịp nhàng, đồng bộ. Chúng ta dần đi đến nhận thức chung rằng, những vấn đề về mặt xã hội, tâm lý, tập quán trong cộng đồng có ý nghĩa quyết định đối với kết quả thực hiện các chương trình hành động.
Chuyện rằng, một năm vừa qua có nhiều sự kiện chính trị, từ đại hội cấp cơ sở cho đến Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ Tỉnh. Đây là một cột mốc để từng ngành, từng cấp có dịp nhìn lại mình, tự đánh giá kết quả một chặng đường đi lên, tự soi rọi lại những mặt mạnh và điểm yếu, thời cơ và thách thức, cùng vẽ ra một viễn cảnh, một ước mơ cho ngành và địa phương của mình. Đây cũng là cột mốc để chuyển giao đội ngũ lãnh đạo, truyền cho nhau ngọn lửa khát vọng, để những con người mới tạo ra cái mới hơn từ trong cái cũ, biến những điều không thể thành những điều có thể, hiện thực hoá những điều mà những người cũ chưa hoàn thành được. Đây cũng là cột mốc để những người mới viết tiếp câu chuyện “Giấc mơ Sen”, đáp ứng kỳ vọng của người Đất Sen Hồng.
Cột mốc chỉ là ẩn dụ cho một thời khắc cụ thể trong khi cuộc sống không dừng lại ở mỗi cột mốc đó. Cuộc sống vẫn hối hả trôi chảy không ngừng nghỉ. Cuộc chạy đua trên hành trình phát triển là cuộc chạy tiếp sức, có sự tham gia của nhiều người, nhiều thế hệ, của cả guồng máy. Đội ngũ lãnh đạo mới cần truyền năng lượng và cả cảm hứng để nhiều người cùng chạy, mọi người cùng chạy. Trên hành trình chạy đó cần tích hợp trí tuệ nhiều người, gom góp sức mạnh của nhiều người, chắt chiu sức lực của từng người. Tri thức là vô tận, chỉ bằng tư duy rộng mở thì đội ngũ lãnh đạo mới sẵn sàng hấp thu nguồn tri thức đó giống như con người cần hấp thu sinh khí của trời đất. Tư duy rộng mở từ đội ngũ lãnh đạo sẽ làm cho bộ máy của mình cũng có tư duy rộng mở, khi ấy hệ thống không còn bị đóng khung trong những điều cũ kỹ, lỗi thời.
Những điểm sáng có rồi, những mô hình hay có rồi, những con người tâm huyết trong xã hội cũng có rồi, vấn đề còn lại là người nối kết những cái đã có lại với nhau. Vậy ai là người làm việc đó nếu không phải là người lãnh đạo, đội ngũ lãnh đạo? Người lãnh đạo cần tập hợp, nối kết những điều đã có tạo thành một hệ sinh thái cho mình. Đơn giản vậy thôi, bao nhiêu kỳ vọng vào năm mới, ở đội ngũ mới chỉ bấy nhiêu thôi!
“Trên thế gian ban đầu làm gì có đường, người ta đi mãi thành đường, thế thôi!”. Vậy thì năm mới lại bắt đầu với hành trình mới của tất cả chúng ta!
Lê Minh Hoan
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
Nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp