Trao đổi nhanh với phóng viên Cổng Thông tin điện tử Đồng Tháp ngay sau sự kiện Lễ công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2020, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa bày tỏ niềm phấn khởi khi một lần nữa Đồng Tháp được xướng tên, khẳng định thương hiệu Đồng Tháp – PCI; đồng thời khẳng định quyết tâm đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn để cùng phát triển trong thời gian tới.
Phóng viên: Theo kết quả PCI 2020 vừa được công bố, Đồng Tháp tiếp tục nằm trong top 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành rất tốt. Với kết quả này, Đồng Tháp nối dài thành tích 13 năm liên tục nằm trong top 5 PCI cả nước. Điều đầu tiên ông muốn chia sẻ là gì?
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa: Hôm qua, Đồng Tháp rất phấn khởi khi được người dân đánh giá cao qua Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2020 xếp thứ 2 cả nước. Hôm nay, với kết quả PCI 2020 vừa công bố, một lần nữa Đồng Tháp được xướng tên, tiếp tục duy trì thành tích á quân và nằm trong nhóm được đánh giá có chất lượng điều hành rất tốt.
Với kết quả này, đầu tiên tôi xin được chia sẻ niềm vui và lời cám ơn chân thành đến với cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư đã có đánh giá khách quan, công tâm và tinh thần trách nhiệm cao đối với môi trường kinh doanh tại Đồng Tháp.
Trải qua 16 năm gắn bó cùng PCI, Đồng Tháp đã tạo dấu ấn đặc biệt về nỗ lực tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp và làm nên thương hiệu Đồng Tháp – PCI. Có thể khẳng định, PCI đã truyền cảm hứng, thông qua PCI, các doanh nghiệp đã có đóng góp không nhỏ vào xu hướng cải thiện chất lượng điều hành kinh tế và phát triển doanh nghiệp của tỉnh nhà. Những gì Đồng Tháp có được ngày hôm nay đều có sự đóng góp rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp.
Ở đây, quan trọng nhất không phải là thứ hạng mà chính là sự hài lòng của doanh nghiệp. Bởi Đồng Tháp luôn xác định, thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của địa phương.
Phóng viên: Có thể nói, năm 2020 là một năm đầy khó khăn, đặc biệt là tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 đối với nền kinh tế, doanh nghiệp chịu nhiều tổn thất nặng nề. Trong bối cảnh đó, Đồng Tháp đã có những hoạt động nổi bật gì để hỗ trợ doanh nghiệp, thưa ông?
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa: Thấu hiểu và chia sẻ với doanh nghiệp, trong năm 2020, chúng tôi thường xuyên đến với doanh nghiệp để nắm bắt sâu sát hơn tình hình, thông qua các buổi gặp gỡ doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp tại các điểm “Cà phê doanh nghiệp” ở các huyện, thành phố; các khu, cụm công nghiệp. Đây được xem như là một bước tiến của mô hình “Cà phê doanh nghiệp”. Qua đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, động viên doanh nghiệp lạc quan, tin tưởng vào khả năng phục hồi kinh tế trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, nhiều mô hình, sáng kiến, giải pháp mới được áp dụng và nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính của địa phương như: “Họp mặt doanh nghiệp”; “Cà phê doanh nghiệp”, “Hội quán nông dân”; giảm 30% cuộc họp để đi cơ sở; đưa vào hoạt động Tổng đài thông tin dịch vụ công 1022 – một bước tiến trong nỗ lực xây dựng chính quyền kiến tạo, phục vụ.
Nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn, tăng cường quảng bá, mở rộng thị trường, tạo dựng uy tín với người tiêu dùng trên cả nước: Ra mắt Trung tâm đặc sản và du lịch Đồng Tháp tại Hà Nội, ngày 21/4 tới sẽ ra mắt tại thành phố Phú Quốc; “Tuần hàng cá tra/ba sa và đặc sản Đồng Tháp tại Hà Nội ghi dấu ấn mạnh mẽ trong lòng người tiêu dùng Thủ đô; các gian hàng đặc sản Đồng Tháp cũng chiếm lĩnh những không gian riêng và đậm nét Sen hồng tại các Trung tâm thương mại lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh (Gigamall, BigC, AEON, CoopMart); Câu lạc bộ doanh nghiệp tại các địa phương; Hợp tác xã Đặc sản Đồng Tháp v.v. lần lượt ra đời cùng nhau kết nối và hỗ trợ nhau phát triển.
Năm 2020, toàn tỉnh Đồng Tháp có 610 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký hơn 4.096 tỷ đồng. Đây cũng là năm Đồng Tháp có số doanh nghiệp thành lập mới nhiều nhất từ trước đến nay.
Phóng viên: So với các địa phương khác, Đồng Tháp – một tỉnh thuần nông có những điểm tương đồng về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực. Theo ông, đâu là điểm tạo ra sự khác biệt trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế của Đồng Tháp?
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa: Tôi cho rằng, thế mạnh và cũng là điểm tạo khác biệt của Đồng Tháp chính là con người, là sự tiên phong, xông xáo của lãnh đạo tỉnh, chính quyền các cấp trong giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động đầu tư – kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này đã được cộng đồng doanh nghiệp, lãnh đạo Trung ương ghi nhận và đánh giá rất cao. Và đó cũng là chìa khoá giúp Đồng Tháp thoát dần lời nguyền khuất nẻo.
Thực tế chỉ ra rằng, có một tỷ lệ thuận giữa chỉ số PCI và chỉ số hình ảnh thương hiệu địa phương. Ngoài những ngoại lệ trong xác lập thương hiệu địa phương dựa trên “của trời cho” như sản vật, tài nguyên, hầu hết các sản phẩm hay lợi thế cạnh tranh đều do con người tạo ra. Và con người chính là yếu tố quan trọng nhất trên con đường xác lập những điểm hấp dẫn khác biệt của mỗi địa phương.
Phóng viên: Bắt đầu một nhiệm kỳ mới với nhiều khó khăn, thách thức, ông mong muốn điều gì từ doanh nghiệp để tiếp tục cụ thể hoá chủ trương đồng hành, xây dựng chính quyền kiến tạo mà Đồng Tháp đã theo đuổi bấy lâu nay?
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa: Trống hội nhập thúc nhịp cải cách. Phương châm của Đồng Tháp là ngày mai phải tốt hơn hôm nay, do đó, chúng ta không phải đi nữa mà cần phải chạy.
Đồng Tháp luôn ý thức rằng, chỉ số PCI dù cao đến mấy đều không có ý nghĩa gì khi mà vai trò kiến tạo và chất lượng phục vụ của chính quyền không đáp ứng tốt yêu cầu của doanh nghiệp. Do đó, ngay sau lễ công cố PCI hằng năm, chúng tôi đều tiến hành nghiên cứu, mổ xẻ, nhìn nhận các mặt yếu để tập trung khắc phục, đề ra những phương án mới để tiếp tục nỗ lực trên chặng đường dài nhằm thúc đẩy đầu tư, tạo thêm nhiều việc làm, phát triển kinh tế – xã hội.
Chúng tôi vẫn chưa hoàn toàn hài lòng về những gì mình đã làm. Đồng Tháp cam kết sẽ tiếp tục có những điều chỉnh, thay đổi trong thời gian tới, nhằm tạo ra môi trường kinh doanh tốt nhất cho các nhà đầu tư. “Tối ưu hoá” các tiện ích để phục vụ doanh nghiệp là mục tiêu chúng tôi luôn xác định và đeo đuổi liên tục trong thời gian tới.
Nhìn vào kết quả PCI cho thấy, dư địa cải thiện của tỉnh vẫn còn khá nhiều, điều này chứng tỏ nỗ lực của các cấp chính quyền tỉnh vẫn chưa đáp ứng hết được mong muốn của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, đòi hỏi cả hệ thống chính trị, tiếp tục phải phấn đấu hơn nữa, cùng chung sức, đồng lòng để chuyển hóa những thách thức khó khăn thành cơ hội phát triển; tiếp tục lan tỏa tinh thần “Đồng hành với doanh nghiệp” để đáp ứng kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!