Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp khẳng định, Lễ hội xoài là nền tảng để hướng tới cơ hội đưa xoài Việt ra thế giới.
Với định hướng chủ đề “Xoài Đồng Tháp – Khát vọng vươn xa”, Đồng Tháp đầu tư cho Lễ hội xoài thành cơ hội nâng cao giá trị, phát triển và giới thiệu thương hiệu xoài của Đồng Tháp đến thị trường trong nước hướng tới xuất khẩu ra nhiều quốc gia trên thế giới. “Tuy nhiên, chúng tôi luôn xác định: liên kết là xu thế tất yếu, giúp các địa phương nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững, nên Đồng Tháp phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Lễ hội xoài với mong muốn và hướng tới mục tiêu: tạo ra sân chơi chung cho các địa phương có cơ hội đưa xoài Việt ra thế giới” – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa chia sẻ.
Theo ông Phạm Thiện Nghĩa, đúng như tên gọi, Lễ hội xoài là sự kiện để quảng bá về xoài, nhưng không chỉ có xoài Đồng Tháp, mà cho các loại xoài trong vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và cả nước có cơ hội quảng bá các sản phẩm về giống, cơ giới hóa, công nghệ bảo quản, chế biến; sản phẩm chế biến, ẩm thực văn hóa về xoài… Đây sẽ là nền tảng để ngành hàng xoài mở ra cơ hội tiếp cận phân khúc thị trường xoài tại các nước EU và Mỹ theo lộ trình hợp lý. Có thể bước đầu sẽ tiếp cận với cộng đồng người Việt tại Hà Lan, Mỹ sau đó sẽ mở rộng dần ra. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để phát triển hệ thống hậu cần (logistic) phục vụ thương mại cho xoài gắn với hệ thống siêu thị, chợ đầu mối, trung tâm phân phối và tiêu thụ nông sản tỉnh đặt tại các thành phố lớn cả nước.
Dự kiến, Lễ hội diễn ra trong năm 2022 tại Quảng trường Văn Miếu – Đồng Tháp. Đây là thời điểm xoài ở Đồng Tháp và các tỉnh vào chính vụ. Với quy mô 150-200 gian hàng dành cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, hội quán và doanh nghiệp… Lễ hội không chỉ là nơi trưng bày, giới thiệu xoài và các sản phẩm chế biến từ xoài của vùng ĐBSCL, mà Đồng Tháp còn nỗ lực chắt chiu từng cơ hội để đặt nền móng cho sự hướng đến sự kiện quốc tế trong tương lai. “Với tinh thần đó, Đồng Tháp tổ chức nhiều hoạt động để tạo tiếng vang cho xoài Việt Nam cả trước, trong và sau sự kiện Lễ hội” – ông Nghĩa chia sẻ thêm.
Theo đó, trước lễ hội, sẽ có các hoạt động kết nối tại Hà Nội, TP HCM và Phú Quốc nhằm quảng bá, kết nối trong sản xuất, tiêu thụ xoài với các đơn vị tại các thị trường. Vào thời điểm chính, sẽ có 2 hoạt động lễ và hội. Ở phần lễ, sẽ có chương trình sân khấu hóa hoạt động khai mạc để làm nền tôn vinh sự kiện công bố chỉ dẫn địa lý xoài Cao Lãnh. Sau đó, tổ chức Farm Trip đến các vườn xoài trên địa bàn huyện Cao Lãnh, TP Cao Lãnh – hai địa phương có thế mạnh về xoài của Đồng Tháp. Trong thời gian diễn ra lễ hội, sẽ có nhiều hoạt động thi và trao thưởng các hoạt động tranh tài liên quan đến xoài. Đến phần Hội, sẽ tổ chức “Không gian xoài” với ngôi nhà chung và không gian trưng bày các loại xoài và các sản phẩm từ xoài. Đặc biệt, Ban tổ chức sẽ có chuỗi hoạt động các Hội thi về xoài như: Hội thi ẩm thực Xoài (thi online, thực tế) với chủ đề “Trái xoài ngon nhất”. Theo đó, Đồng Tháp và các tỉnh, vùng miền sẽ chọn lựa ra những giống và sản phẩm xoài ngon về hình thức, chất lượng ngon, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc để tranh tài. Bên cạnh đó, Ban tổ chức sẽ dành không gian để tổ chức các hoạt động kết nối thương mại như: sàn giao dịch thương mại điện tử các sản phẩm từ xoài; kết nối, ký các hợp đồng hoặc biên bản ghi nhớ giữa hợp tác xã, tổ hợp tác, hội quán, nhà vườn với các doanh nghiệp.
Quan trọng hơn là trong chương trình Lễ hội xoài còn dành thời lượng quan trọng để tổ chức các hoạt động mang tính định hướng, gợi mở hoạt động thương mại với mục tiêu chung tay đưa xoài Việt vươn ra biển lớn. Bên cạnh các hoạt động tọa đàm “Kết nối sản xuất và tiêu thụ ngành hàng xoài tỉnh Đồng Tháp”; tập huấn kỹ năng cho đơn vị về quảng bá sản phẩm xoài trên các trang thương mại điện tử, Livestream cũng như cách truy xuất nguồn gốc…
“Chúng tôi sẽ mời các chuyên gia đầu ngành, các tổ công tác, các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xuất khẩu, chế biến xoài,… tham gia chia sẻ và tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp, trong đó có trái xoài trong bối cảnh dịch bệnh của thế giới” – ông Nghĩa nhấn mạnh thêm – “Đồng thời ký kết thỏa thuận hợp tác hoặc ghi nhớ về sản xuất và tiêu thụ ngành hàng xoài”. Với những kỳ vọng và mục tiêu quan trọng đó, Đồng Tháp mong muốn duy trì hoạt động này trong thời gian tới. Ông Nghĩa khẳng định, Đồng Tháp sẽ nỗ lực tổ chức thật tốt lễ hội lần thứ Nhất để tạo niềm tin và tiếp tục đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tổ chức Lễ hội Xoài định kỳ 2 năm 1 lần theo hướng “Nhà nước và Nhân dân, doanh nghiệp cùng thực hiện” – ông Nghĩa nhấn mạnh thêm – “Và tất nhiên, quy mô và tính chất cũng sẽ lớn hơn và linh động theo từng giai đoạn, định hướng phát triển của ngành hàng này và trên cơ sở tiếp thu, đúc kết nhiều luồng ý kiến”. Ông Phạm Thiện Nghĩa cho biết, Đồng Tháp và Ban tổ chức khuyến khích và luôn cầu thị, lắng nghe các ý kiến phản biện để rút kinh nghiệm nhằm đưa công tác tổ chức ngày một hoàn thiện hơn.
Lục Tùng – Báo Đồng Tháp