8.6 C
New York
Thứ năm, 21 Tháng mười một 2024

Buy now

spot_img

Hình thành nhiều mô hình nông nghiệp điển hình trong tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo

ĐTO – Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo theo hướng phát triển bền vững, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình nông nghiệp thông minh, giảm giá thành, mang lại thu nhập cho người dân nông thôn.

Nông dân tham gia các lớp tập huấn về giảm giá thành sản xuất

Mô hình trình diễn áp dụng “3 giảm 3 tăng” (3G3T) “1 phải 5 giảm” (1P5G) thuộc Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam – Dự án VnSAT giai đoạn 2016-2020 tại 6 huyện phía Bắc của tỉnh được đánh giá là mô hình hiệu quả và được nhân rộng phổ biến hiện nay. Thực hiện mô hình này, ngành nông nghiệp các địa phương đã tổ chức 566 lớp tập huấn với hơn 20 ngàn người tham gia; xây dựng được 75 mô hình canh tác 3G3T, 1P5G với 140ha, 100 nông dân tham gia. Diện tích áp dụng 3G3T, 1P5G toàn dự án là 24.232ha (chiếm gần 5% diện tích gieo trồng lúa của tỉnh). Mô hình sản xuất lúa lý tưởng do Hợp tác xã Mỹ Đông 2, huyện Tháp Mười phối hợp cùng Công ty Rynan Smart Fertilizers thực hiện thí điểm trên diện tích 7,6ha. Theo đó, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất giúp cho người sản xuất giảm thiểu được lượng giống, chỉ khoảng 8kg/công, năng suất bình quân đạt 7-8 tấn lúa tươi/ha, chi phí sản xuất giảm 45-50% so với phương thức canh tác cũ, đảm bảo lợi nhuận cao cho người sản xuất.

Mô hình lúa – tôm sinh kế cho người dân vùng lũ, luân canh 1 vụ lúa đông xuân – 1 vụ tôm càng xanh. Trước đây, mô hình này chủ yếu là tận dụng lợi thế mùa nước nổi, phụ thuộc nhiều vào chất lượng và lượng nước, nước lớn thì tôm mau lớn, chất lượng tốt, bán được giá cao; nước nhỏ, tôm không phát triển, năng suất thấp, có thể bị thua lỗ. Gần đây, với mô hình cũ nhưng cách làm mới, một số hộ nuôi tôm chuyển sang làm đê bao cao và chắc chắn hơn để giữ được mực nước trong ao 1,5-1,7m (thay vì 1-1,2m như trước), ao nuôi cũng được thiết kế lại chia 2 phần: phần nhỏ khoảng 20-25% tổng diện tích ao nuôi làm ao ương; phần đế giữa 2 ao có cống hở để đóng mở dễ dàng. Đến thời điểm xuống giống, sẽ sạ lúa trên phần ao lớn và chăm sóc bình thường. Ao ương sẽ tiến hành diệt tạp, cấp nước, kích thích thức ăn tự nhiên phát triển và cuối cùng là thả tôm giống. Sau khi thu hoạch thì dọn sạch, xả nước và tạo ao nuôi, rồi mở cống ngăn và thả tôm ra toàn bộ diện tích nuôi. Lúc này, con nước bắt đầu về, nước lớn thì có khả năng tràn ao, nước nhỏ người dân có thể chủ động bơm nước. Cách làm mới trong mô hình luân canh lúa – tôm càng xanh có nhiều ưu điểm hơn trước, do người nuôi có thể chủ động điều tiết được mực nước trong ao nên không còn phụ thuộc vào mùa nước nổi hằng năm; tận dụng được ưu thế từ mô hình luân canh lúa – tôm truyền thống; lúa phát triển tốt, chi phí thấp nhờ tận dụng được chất hữu cơ từ thức ăn và chất thải sau vụ nuôi tôm. Đến vụ tôm, ít dịch bệnh xảy ra do hầu hết các tác nhân gây bệnh trên tôm bị cắt vòng đời, không thể phát triển sau 1 vụ lúa, giúp làm giảm giá thành, tăng lợi nhuận; chủ động được nguồn nước nên người nuôi có thể điều chỉnh mùa vụ sản xuất phù hợp với thị trường. Đây cũng là cách làm thân thiện môi trường, mang tính vền vững. Làm theo mô hình, lúa được hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật, tôm ít dùng thuốc, hóa chất điều trị bệnh nên giảm tác động đến môi trường.

Thu hoạch lúa tại mô hình lúa – tôm sinh kế cho người dân vùng lũ ở huyện Tam Nông

Mô hình lúa – sen: nông dân gieo cấy vụ lúa đông-xuân và trồng sen vào vụ còn lại mỗi năm. Hệ thống luân canh này giúp giảm sâu bệnh cho vụ lúa sau vì nó cắt sự có mặt liên tục của lúa – là nơi ở thích hợp cho sâu bệnh sinh sôi nảy nở. Mô hình này được đánh giá cao khi giải quyết hiệu quả một số loại bệnh hại nguy hiểm trên cây sen như bệnh thối ngó và bệnh chết dây.

Mô hình ruộng nhà mình được triển khai tại Hợp tác xã Thuận Tiến, huyện Cao Lãnh và Hợp tác xã Tiến Cường, huyện Tam Nông trong vùng Dự án VnSAT Đồng Tháp. Sản phẩm của mô hình là gạo an toàn – tối ưu giá. Công ty Lương thực Đồng Tháp sẽ đảm nhiệm khâu bao tiêu, chế biến và đóng gói, Công ty Cổ phần chuỗi giá trị nông sản thực phẩm Việt (website: www.ruongnhaminh.vn – đơn vị sở hữu thương hiệu “Ruộng nhà mình”) chịu trách nhiệm xây dựng chiến lược kinh doanh và hệ thống phân phối sản phẩm thông qua hệ thống bán lẻ của 2 đơn vị là Công ty Cổ phần phát triển Nông nghiệp xanh Hà Nội và Tập đoàn An Việt. Đến nay, Công ty Lương thực đã liên kết tiêu thụ với 2 hợp tác xã được 92ha, sản lượng 552 tấn, doanh thu từ sản phẩm gạo đạt 1,4 tỷ đồng.

MN – BÁO ĐỒNG THÁP

0/5 (0 Reviews)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tin mới