Việt Nam đang trải qua những ngày tháng gồng mình ứng phó với Covid-19, trận đại dịch bệnh gây xáo trộn cả thế giới và gây bao mất mát, đau thương, bi kịch cho nhiều gia đình. Hàng loạt vết đứt gãy trong chuỗi ngành hàng bào mòn thu nhập của người nông dân, lợi nhuận của doanh nghiệp. Có ý kiến cho rằng, mỗi vấn đề đều có sẵn giải pháp, vấn đề là cùng nhau tìm kiếm được giải pháp đó.
Giãn cách xã hội vẫn là giải pháp cần thiết, khi dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, với tốc độ lan truyền lây nhiễm ngày càng cao, gây tổn thương sức khỏe cộng đồng và tính mạng con người. “Mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong trạng thái “bình thường mới”, được xem là quyết sách hàng đầu. Và cả bộ máy nhà nước cùng với xã hội chung tay vận hành, quyết đạt mục tiêu đề ra, trong một điều kiện và bối cảnh chưa có tiền lệ.
Tuy nhiên, trước những đặc tính đầy biến động, bất định, phức tạp và cả mơ hồ của chủng virus Delta, sự vận hành, triển khai trên thực tế khó có thể trơn tru như dự định, dù kế hoạch được thực hiện tỉ mỉ hay hoàn hảo đến đâu. Chỉ cần nặng bên này, nhẹ bên kia và ngược lại là đều có thể nảy sinh nhiều hệ lụy. Điều khó nhất là đạt được sự cân bằng trong cả hai mục tiêu. Như đi thăng bằng trên dây vậy, chỉ cần một tác động bất ngờ, một chao đảo nhẹ, một thoáng mất tập trung là có thể dẫn đến rơi tự do. Cả lãnh đạo địa phương, hàng trăm ngàn doanh nghiệp, hàng triệu hộ nông dân đang gồng mình đương đầu với nhiều điều không mong muốn, do không gian kinh tế bị chia tách, phân mảnh.
Theo dõi thông tin hàng ngày từ báo chí chính thống đến các trang mạng xã hội, các nhóm trò chuyện, trao đổi, thảo luận của các cộng đồng xã hội, các nhóm ngành hàng… gợi lên cho mọi người rất nhiều cảm xúc. Có những cảm thông, sẻ chia, có cả những bực tức, trách hờn. Có những niềm tin “sau cơn mưa trời lại sáng”, có cả những nỗi khoắc khoải, âu lo về tương lai sau đại dịch. Có những sáng kiến, góp ý chân thành, trách nhiệm, có cả những chỉ trích, phê phán nặng lời. Dù góc nhìn, nhận định, quan điểm khác nhau, suy cho cùng, cũng xuất phát từ cái tâm của mỗi người mong muốn mọi việc phải được hoàn hảo hơn, để kinh tế – xã hội, chuỗi ngành hàng ít bị tổn thương, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường.
Tuy nhiên, nếu biết cách đổi vai cho nhau, đặt mình vào vị trí khác, mọi người chắc sẽ thấu hiểu nhau hơn. Nếu kịp thời ngồi lại với nhau, chia sẻ những khó khăn của nhau, cùng tìm kiếm cơ hội cân bằng mục tiêu kép, dù chỉ là rất nhỏ, chắc chắn sẽ bớt đi lời than phiền, tránh lãng phí “thời gian vàng”. Tư duy đồng kiến tạo không gian phát triển thay thế tư duy “kiểm soát và tuân thủ”, tạo ra sự kích hoạt năng lực, tích hợp tiềm năng, không chỉ cần thiết trong cơn đại dịch, mà cả trong tương lai hậu đại dịch. Tư duy liên kết không gian phát triển vùng, tiểu vùng càng nên được đặt ra trước bối cảnh biến động, khó lường. Không gian kinh tế nông nghiệp cần sự tham gia đồng đẳng của các thành phần trong xã hội liên quan: lãnh đạo địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, người trực tiếp sản xuất…
Tư duy quản trị địa phương cần được nhìn nhận trong thiết chế rộng hơn là quản trị cấp vùng. Những địa giới hành chính không được định hình cứng bởi những hàng rào ngăn cách giữa xã với xã, huyện với huyện, tỉnh với tỉnh. Thay vào đấy, là một không gian mang tính tổng thể, bao quát, trong đó chuỗi ngành hàng vận hành như những mạch máu, chỉ cần tắc nghẽn bất kỳ nơi đâu cũng có thể làm tắc nghẽn cả hệ thống đang vận hành đồng bộ. Hài hòa mối quan hệ gắn kết “Nhà nước – thị trường – xã hội” đã được đưa vào các nghị quyết và chương trình hành động. Tư duy này cần được đồng thuận, thẩm thấu nhất quán trong nền kinh tế và quản trị địa phương.
Có ý kiến cho rằng, mỗi vấn đề đều có sẵn giải pháp, vấn đề là cùng nhau tìm kiếm được giải pháp đó. Một giải pháp hài hòa đạt được yêu cầu, mong muốn của mỗi bên, bắt đầu từ sự thông cảm, thấu hiểu và sẻ chia. Đôi khi những lời than phiền, trách móc, thậm chí là chỉ trích, chỉ làm vấn đề càng thêm rối rắm, nếu vượt quá giới hạn của cảm xúc, lại phát sinh những vấn đề mới phức tạp hơn. Những người đồng hành cùng ngồi trên chiếc thuyền muốn vượt qua những cơn sóng dữ, thì càng cần phối hợp nhịp nhàng, tạo ra sự cân bằng. Ngược lại, chỉ cần một thoáng thiếu ăn ý, gắn kết sẽ dễ dẫn đến chao đảo, chông chênh, thậm chí khiến thuyền bị lật.
Mọi việc rồi cũng sẽ qua. Mọi vấn đề rồi cũng có hướng giải quyết. Nền kinh tế sẽ sớm vận hành trở lại với trạng thái “bình thường mới”. Nhưng chắc chắn một điều là mọi chuyện không thể trở lại nguyên vẹn như trước cơn đại dịch. Sẽ còn ngổn ngang những khó khăn nhất định trong giai đoạn phục hồi, để hướng tới tăng trưởng, phát triển, bù đắp giai đoạn đứt gãy chuỗi ngành hàng. Muốn vậy, mỗi người, mỗi cộng đồng, mỗi thành phần trong hệ sinh thái, trong xã hội cần nhất là tạo dựng niềm tin. Có niềm tin, mới có sự hợp tác. Có sự hợp tác, mới có thể cùng nhau kiến tạo không gian phát triển hậu đại dịch, từ những bài học kinh nghiệm quý báu được rút ra trong thời gian vừa qua.
Giãn cách xã hội là cách ly giữa người với người, giữa xã với xã, huyện với huyện, tỉnh với tỉnh. Ngược lại, khi muốn cùng nhau kiến tạo không gian phát triển thì không thể có tư duy “giãn cách”. Tạm xa nhau về khoảng cách địa lý, nhưng suy nghĩ, tấm lòng lúc nào cũng cần kề cận, sát cánh bên nhau. Một không gian phát triển hài hòa cần tạo nên sự thông suốt, mạch lạc trong vận hành một thực thể kinh tế không bị chia cắt bởi địa giới hành chính. Một không gian phát triển hài hòa cần đến sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ của mọi thành phần trong xã hội. Một không gian phát triển hài hòa cần niềm tin lẫn nhau, thay cho hoài nghi, thiên kiến.
Đừng hờn trách bóng đêm, mà hãy cùng thắp lên ngọn đuốc. Thắp lên niềm tin tạo dựng tương lai!
Xích Lô