8.6 C
New York
Thứ sáu, 22 Tháng mười một 2024

Buy now

spot_img

Đồng Tháp nỗ lực trở thành ‘địa phương khởi nghiệp’ – Bài cuối: Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp

Đồng Tháp xác định phát triển doanh nghiệp, đặc biệt phong trào khởi nghiệp là một nhiệm vụ trọng tâm, đột phá.

Trong thời gian qua, tỉnh đã nỗ lực thực hiện các giải pháp xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, hướng tới mục tiêu trở thành “địa phương khởi nghiệp”.

Tạo môi trường thuận lợi

Ở Đồng Tháp, khởi nghiệp từng bước được lồng ghép vào kế hoạch, chương trình hoạt động của từng ngành, địa phương; kết nối mật thiết giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp dẫn đầu trong tỉnh được tạo lập. Thêm vào đó, mạng lưới kết nối giữa các thanh niên có dự án khởi nghiệp được tạo lập để hỗ trợ lẫn nhau; giữa thanh niên có dự án khởi nghiệp với nông dân hình thành mối liên kết chặt chẽ, bảo đảm nguồn nguyên liệu an toàn, bền vững; giữa các thanh niên có dự án khởi nghiệp với các đề án, chương trình trọng tâm của tỉnh để tối ưu hóa nguồn lực,…

Hiện toàn tỉnh có 25 câu lạc bộ khởi nghiệp tại các trường học, các địa phương đã được hình thành và hoạt động tích cực tạo môi trường để thanh niên, học sinh, sinh viên được giao lưu, học tập, trao đổi kiến thức, chia sẻ ý tưởng, định hướng nghề nghiệp trong tương lai…

Ngoài các câu lạc bộ khởi nghiệp tại địa phương, Tỉnh Đoàn đã thành lập 162 câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế; 216 tổ hợp tác thanh niên, 2 hợp tác xã thanh niên, 1 trang trại thanh niên thu hút trên 1.440 đoàn viên, hội viên, thanh niên tham gia lao động.

Bên cạnh đó, Đồng Tháp còn tạo điều kiện, cơ hội giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua các hoạt động, chuỗi sự kiện như: Phiên chợ Nông sản an toàn; chương trình Mỗi xã một sản phẩm; Hội chợ, triển lãm ở ngoài tỉnh và ở nước ngoài.

Tỉnh thành lập các trung tâm giới thiệu hàng hóa ở các đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội; ký kết giao thương với các hệ thống siêu thị lớn; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp từ ý tưởng, phát triển sản phẩm, thành lập doanh nghiệp, đăng ký nhãn hiệu, nâng chất lượng, cải tiến bao bì… đến các kỹ năng lãnh đạo, quản lý, quản trị, bán hàng, tiếp thị, quảng bá…

Sự hỗ trợ của các nguồn lực bên ngoài, cùng nội lực bên trong giúp lực lượng thanh niên khởi nghiệp Đất Sen hồng dần thể hiện sự tự tin, mạnh mẽ, sáng tạo hơn trong cách nghĩ, cách làm. Các sản phẩm ngày càng được hoàn thiện từ chất lượng đến mẫu mã, bao bì. Hoạt động sản xuất, kinh doanh ngày càng được mở rộng, mang lại nhiều giá trị gia tăng hơn từ nguồn tài nguyên bản địa. Theo đó, giai đoạn năm 2018 – 2020, Đồng Tháp có 161 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3-4 sao, nhiều sản phẩm trong đó được chuẩn hóa, hoàn thiện từ các sản phẩm khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Riêng năm 2020, với quyết tâm, nỗ lực “tìm cơ trong nguy”, các tổ chức khởi nghiệp đã không ngừng kết nối, hỗ trợ nhau để tập hợp, giới thiệu các sản phẩm đặc sản Đồng Tháp đưa lên sàn giao dịch điện tử Tiki.

Các ban, ngành, địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh các sản phẩm đặc sản hoàn thiện hơn về hình ảnh sản phẩm, đưa sản phẩm lên các trang mạng trực tuyến… để cùng nhau bước qua năm đầy khó khăn, thử thách.

Mới đây nhất, ngày 31/3/2021, để tiếp tục xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, tạo lập môi trường thuận lợi hỗ trợ thúc đẩy quá trình hình thành, phát triển các doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp ban hành Kế hoạch triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh năm 2021. Kế hoạch tập trung vào 4 nội dung gồm: Hỗ trợ tiền khởi nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, kiện toàn và nâng cao năng lực của Hội đồng tư vấn khởi nghiệp tỉnh.

Đặc biệt, hoạt động phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp tập trung vào hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục thành lập doanh nghiệp, tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ khởi nghiệp; hoàn thiện sản phẩm; tạo sự khác biệt trong sản phẩm và phát triển các sản phẩm mới. Cùng với đó là tạo điều kiện tham gia các kênh quảng bá, giới thiệu truyền thông về sản phẩm; hoàn thiện và phát triển trang thương mại điện tử; hỗ trợ phát triển các sản phẩm khởi nghiệp chuẩn hóa thành các sản phẩm OCOP; theo dõi để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp tiếp tục phát triển…

Hình thành một cộng đồng khởi nghiệp năng động

Bà Phạm Thị Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư Đồng Tháp cho rằng, hệ sinh thái khởi nghiệp cơ bản được hình thành nhưng chưa hoàn thiện, nhiều thành tố trong hệ sinh thái phát triển chưa đồng đều; đầu mối khởi nghiệp tại địa phương đã được hình thành, tuy nhiên hiệu quả hoạt động chưa cao; hoạt động của các câu lạc bộ khởi nghiệp còn mang tính thời điểm; sự chủ động, tính chuyên nghiệp của người hỗ trợ khởi nghiệp và cả người khởi nghiệp còn hạn chế. Đồng thời, số lượng dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ít; số dự án khởi nghiệp phát triển thành doanh nghiệp để mở rộng, gia nhập thị trường lớn chưa nhiều…

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa, trong thời gian tới, tỉnh sẽ định hướng tập trung phát triển về chất lượng, thúc đẩy các dự án tiềm năng trưởng thành trở thành những doanh nghiệp nhỏ và vừa; có sự chọn lọc, ưu tiên định hướng khởi nghiệp cho các lĩnh vực mũi nhọn của tỉnh, chú trọng khởi nghiệp trong một số ngành đang có có lợi thế và tiềm năng.

Mối quan tâm hàng đầu của tỉnh là việc hình thành một cộng đồng khởi nghiệp năng động, được dẫn dắt bởi các doanh nghiệp dẫn đầu, doanh nghiệp khởi nghiệp tiêu biểu, với tinh thần chào đón, khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp mới cùng tham gia.

Ông Phạm Thiện Nghĩa thông tin, Đồng Tháp không cầu toàn về những điều kiện hoàn hảo, lý tưởng, không quá đặt nặng vào những mục tiêu ngoài tầm với mà chia ra thành từng giai đoạn, với giải pháp cụ thể, khả thi để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Đồng Tháp quan tâm đến việc phát huy tài nguyên bản địa, tạo ra những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của thị trường; từ những sản phẩm có tiềm năng, sẽ áp dụng những công nghệ, mô hình quản trị mới, thích ứng với cuộc cách mạng số.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nhấn mạnh, khởi nghiệp không chỉ là chuyện của doanh nghiệp mà là chuyện của địa phương với phương châm “bước qua rào cản tư duy nhiệm kỳ, chính quyền các cấp cần là cầu nối để đồng hành cùng các dự án khởi nghiệp”. Câu chuyện khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp là cả một quá trình, tạo ra sự lan tỏa nhưng đảm bảo tính kết nối các nguồn lực trong hệ sinh thái khởi nghiệp, đảm bảo dự án khởi nghiệp không phải “đơn thương độc mã” trên thương trường. Đó chính là định hướng phát triển chiều sâu mà tỉnh đã và đang thực hiện.

Để các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp ngày càng thêm hiệu quả, thiết thực và phù hợp với tình hình tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, ông Phạm Thiện Nghĩa cho rằng, thời gian tới cần sự đồng hành của người đứng đầu các ngành, địa phương; khơi dậy và phát huy vai trò đồng hành, kết nối của các hiệp hội, hội, câu lạc bộ, từ đó xây dựng được cộng đồng khởi nghiệp tại các địa phương. Mặt khác, tỉnh mong muốn các mô hình khởi nghiệp của thanh niên sẽ được nhân rộng và phát huy hơn nữa. Đây sẽ là đòn bẩy cho những bước đầu kết nối các nguồn lực ở địa phương, tạo thành chuỗi liên kết trong sản xuất, kinh doanh không chỉ trong thanh niên, mà còn trong các cá nhân, doanh nghiệp đã, đang khởi nghiệp trong tỉnh. Đồng Tháp sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp để cùng phát triển, xây dựng một địa phương khởi nghiệp.

Chương Đài – Báo tin tức
0/5 (0 Reviews)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tin mới