8.2 C
New York
Thứ sáu, 22 Tháng mười một 2024

Buy now

spot_img

Đồng Tháp nỗ lực tạo lập môi trường đầu tư

Theo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2020 (PCI 2020) vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, Đồng Tháp tiếp tục nằm trong Top 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành rất tốt, đứng ở vị trí Á quân.

Địa phương Đất Sen hồng tiếp tục nối dài thành tích 13 năm liên tục nằm trong Top 5 PCI cả nước và địa phương này cũng nằm trong nhóm được đánh giá có chất lượng điều hành rất tốt.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp thăm doanh nghiệp tại Khu Công nghiệp Sa Đéc.

Nỗ lực tạo lập môi trường đầu tư

Trả lời báo chí ngay sau khi VCCI công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa phấn khởi cho biết: Với kết quả này, đầu tiên tôi xin được chia sẻ niềm vui và lời cám ơn chân thành đến với cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư đã có đánh giá khách quan, công tâm và tinh thần trách nhiệm cao đối với môi trường kinh doanh tại Đồng Tháp.

Trải qua 16 năm gắn bó cùng PCI, Đồng Tháp đã tạo dấu ấn đặc biệt về nỗ lực tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp và làm nên thương hiệu Đồng Tháp – PCI. Có thể khẳng định, PCI đã truyền cảm hứng, thông qua PCI, các doanh nghiệp đã có đóng góp không nhỏ vào xu hướng cải thiện chất lượng điều hành kinh tế và phát triển doanh nghiệp của tỉnh nhà. Những gì Đồng Tháp có được ngày hôm nay đều có sự đóng góp rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp. Theo ông Phạm Thiện Nghĩa, quan trọng nhất không phải là thứ hạng mà chính là sự hài lòng của doanh nghiệp. Bởi Đồng Tháp luôn xác định, thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của địa phương.

Ngay sau khi Đồng Tháp được đứng vị trí thứ hai trên bảng xếp hạng PCI 2020, nhiều doanh nghiệp cho biết Đồng Tháp xứng đáng với kết quả này. Ông Ong Hàn Văn, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Trường Giang (TP Sa Ðéc) cho biết: “Gần 15 năm hoạt động tại Ðồng Tháp cũng là ngần ấy năm, Công ty chúng tôi cảm nhận được sự đồng hành tích cực của chính quyền địa phương. Chúng tôi cũng đi nhiều địa phương, nhưng phải nói thật là vẫn thích nhất tỉnh Đồng Tháp trong việc tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp. Tôi cũng như nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thấy rất hài lòng trong việc tỉnh tích cực xây dựng chính quyền kiến tạo, phục vụ, phải nói là hành chính công của tỉnh rất tốt”.

Vượt khó cùng doanh nghiệp

Năm 2020 được xem là một năm đầy khó khăn, đặc biệt tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 đối với nền kinh tế, doanh nghiệp chịu nhiều tổn thất nặng nề. Trong bối cảnh đó, Đồng Tháp đã có nhiều nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp.

Thấu hiểu và chia sẻ với doanh nghiệp, trong năm 2020, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp thường xuyên đến với doanh nghiệp để nắm bắt sâu sát hơn tình hình, thông qua các buổi gặp gỡ doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp tại các điểm “Cà phê doanh nghiệp” ở các huyện, thành phố; các khu, cụm công nghiệp.

Đây được xem như là một bước tiến của mô hình “Cà phê doanh nghiệp” đã có trước đó trong khuôn viên UBND tỉnh. Qua đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, động viên doanh nghiệp lạc quan, tin tưởng vào khả năng phục hồi kinh tế trong thời gian tới.

“Mô hình các điểm cà phê doanh nghiệp đã cho thấy phát huy hiệu quả, tập hợp được nhiều doanh nghiệp hơn. Trong buổi ngồi cà phê, những gì có thể trả lời, giải quyết ngay, lãnh đạo tỉnh giải đáp tại chỗ, có lẽ chính từ đó đã tạo được sự hài lòng của các doanh nghiệp đối với Đồng Tháp.”, Phó Tổng Giám đốc Hidico, Giám đốc Xí nghiệp hạ tầng Khu Công nghiệp Sa Đéc Huỳnh Công Thảo đánh giá.

Bên cạnh đó, nhiều mô hình, sáng kiến, giải pháp mới được áp dụng và nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính của địa phương như: “Họp mặt doanh nghiệp”, “Hội quán nông dân”; giảm 30% cuộc họp để đi cơ sở; đưa vào hoạt động Tổng đài thông tin dịch vụ công 1022, được xem như một bước tiến trong nỗ lực xây dựng chính quyền kiến tạo, phục vụ.

Tỉnh cũng đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn, tăng cường quảng bá, mở rộng thị trường, tạo dựng uy tín với người tiêu dùng trên cả nước: ra mắt Trung tâm đặc sản và du lịch Đồng Tháp tại Hà Nội.

Ngày 21-4 tới sẽ ra mắt tại TP Phú Quốc; “Tuần hàng cá tra/ba sa và đặc sản Đồng Tháp tại Hà Nội ghi dấu ấn mạnh mẽ trong lòng người tiêu dùng Thủ đô; các gian hàng đặc sản Đồng Tháp cũng chiếm lĩnh những không gian riêng và đậm nét Sen hồng tại các Trung tâm thương mại lớn ở TP Hồ Chí Minh (Gigamall, BigC, AEON, CoopMart); Câu lạc bộ doanh nghiệp tại các địa phương; Hợp tác xã Đặc sản Đồng Tháp… lần lượt ra đời cùng nhau kết nối và hỗ trợ nhau phát triển.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp thăm doanh nghiệp tại Khu Công nghiệp Sa Đéc

Tập trung khắc phục hạn chế

Đồng Tháp là một tỉnh thuần nông có những điểm tương đồng về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, tỉnh cũng đã tạo ra sự khác biệt trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho rằng, thế mạnh và cũng là điểm tạo khác biệt của Đồng Tháp chính là con người, là sự tiên phong, xông xáo của lãnh đạo tỉnh, chính quyền các cấp trong giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động đầu tư – kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này đã được cộng đồng doanh nghiệp, lãnh đạo Trung ương ghi nhận và đánh giá rất cao, và đó cũng là chìa khoá giúp Đồng Tháp thoát dần “lời nguyền khuất nẻo”.

“Thực tế chỉ ra, có một tỷ lệ thuận giữa chỉ số PCI và chỉ số hình ảnh thương hiệu địa phương. Ngoài những ngoại lệ trong xác lập thương hiệu địa phương dựa trên “của trời cho” như sản vật, tài nguyên, hầu hết các sản phẩm hay lợi thế cạnh tranh đều do con người tạo ra. Và con người chính là yếu tố quan trọng nhất trên con đường xác lập những điểm hấp dẫn khác biệt của mỗi địa phương”, đồng chí Phạm Thiện Nghĩa chia sẻ.

Chỉ số PCI dù cao đến mấy đều không có ý nghĩa gì khi mà vai trò kiến tạo và chất lượng phục vụ của chính quyền không đáp ứng tốt yêu cầu của doanh nghiệp. Do đó, ngay sau lễ công cố PCI hằng năm, tỉnh Đồng Tháp đều tiến hành nghiên cứu, mổ xẻ, nhìn nhận các mặt yếu để tập trung khắc phục, đề ra những phương án mới để tiếp tục nỗ lực trên chặng đường dài nhằm thúc đẩy đầu tư, tạo thêm nhiều việc làm, phát triển kinh tế – xã hội.

“Chúng tôi vẫn chưa hoàn toàn hài lòng về những gì mình đã làm. Đồng Tháp cam kết sẽ tiếp tục có những điều chỉnh, thay đổi trong thời gian tới, nhằm tạo ra môi trường kinh doanh tốt nhất cho các nhà đầu tư. Tối ưu hoá các tiện ích để phục vụ doanh nghiệp là mục tiêu chúng tôi luôn xác định và đeo đuổi liên tục trong thời gian tới”, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh.

Nhìn vào kết quả PCI cho thấy, dư địa cải thiện của tỉnh Đồng Tháp vẫn còn khá nhiều, điều này chứng tỏ nỗ lực của các cấp chính quyền tỉnh vẫn chưa đáp ứng hết được mong muốn của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, đòi hỏi cả hệ thống chính trị, tiếp tục phải phấn đấu hơn nữa, chung sức, đồng lòng để chuyển hóa những thách thức, khó khăn thành cơ hội phát triển; tiếp tục lan tỏa tinh thần “Đồng hành với doanh nghiệp” để đáp ứng kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp.

Năm 2020, toàn tỉnh Đồng Tháp có 610 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký hơn 4.000 tỷ đồng. Đây cũng là năm Đồng Tháp có số doanh nghiệp thành lập mới nhiều nhất từ trước đến nay.

Theo Hữu Nghĩa, Văn Khương – Báo Nhân dân

0/5 (0 Reviews)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tin mới