Doanh nghiệp có thể phát triển vượt bậc khi tận dụng công nghệ trong vận hành, tăng năng suất ngược lại sẽ chết trong bối cảnh chuyển đổi số là xu hướng tất yếu.
Chuyển đổi số (Digital Transformation) – thuật ngữ được nhắc nhiều thời gian qua. Đặc biệt trong giai đoạn thích nghi với trạng thái bình thường mới sau Covid-19, chuyển đổi số càng được xem như một công cụ để các doanh nghiệp có thể sống sót qua khủng hoảng.
Một báo cáo của IDC thực hiện năm 2018 cho thấy, chuyển đổi số trở thành chiến lược tại các doanh nghiệp, tổ chức trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Gần 90% doanh nghiệp đã bắt đầu chuyển đổi số với các bước khác nhau từ tìm hiểu, nghiên cứu, cho tới bắt đầu triển khai, thực hiện. Hơn 30% lãnh đạo doanh nghiệp được khảo sát xem chuyển đổi số là vấn đề sống còn, xác nhận hiệu quả trên nhiều khía cạnh như thấu hiểu khách hàng, tăng năng suất lao động, tăng tốc sáng tạo…
Trước đó theo nghiên cứu của Microsoft tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tác động mà chuyển đổi số mang lại cho GDP tới năm 2021 được dự báo là 60%. Chuyển đổi số cũng làm tăng năng suất lao động 15% trong năm 2017, dự kiến 2020 là 21%; 85% công việc trong khu vực sẽ bị biến đổi trong ba năm tiếp theo. Còn công ty nghiên cứu McKensey chỉ ra rằng, vào năm 2025, mức độ tác động của chuyển đổi số tới GDP của nước Mỹ là khoảng 25%, còn ở các nước châu Âu là khoảng 36%.
Chuyển dịch số đặt ra hai kịch bản cho các doanh nghiệp phải lựa chọn hoặc chết, hoặc phát triển vượt bậc nếu biết tận dụng lợi thế từ công nghệ. Thách thức này buộc các doanh nghiệp thật sự nghiêm túc đánh giá về câu chuyện chuyển đổi số. Chuyển đổi từ đâu và làm sao để chuyển đổi số thành công trong chính mô hình kinh doanh của doanh nghiệp mình? Đây cũng là nội dung trong tọa đàm E-Conference “Chuyển đổi số – từ cơn sốt đến thực tế” phát sóng lúc 10h ngày 18/6 trên VnExpress.
Theo Khởi nghiệp Đồng Tháp