15.4 C
New York
Thứ năm, 31 Tháng mười 2024

Buy now

spot_img

Dám khởi nghiệp với 100 USD?

Có nhiều thứ mà một startup cần. Tiền là điều đương nhiên nhưng không phải tất cả. Rất nhiều yếu tố nội tại có thể vận dụng và “quy đổi” tương đương tiền. Quan trọng là, bạn đã chuẩn bị gì và lên kế hoạch như thế nào để khởi nghiệp?

Dưới đây là chia sẻ của Colina Q Tran – nhà sáng lập và điều hành Colina Dreamcatcher, công ty truyền thông đa phương tiện gồm các lĩnh vực: truyền thông, giải trí, marketing, quảng cáo, tổ chức sự kiện và du lịch, hiện đang hoạt động tại Việt Nam, Myanmar và Singapore.

Tháng 9 /2017, sau chuyến du lịch 45 ngày, tôi về Việt Nam, trong túi chỉ còn 100 USD sót lại từ chuyến đi – đổi ngược lại VNĐ để tiêu. Chuyến đi đó đã cho tôi rất nhiều năng lượng và cảm hứng, làm những điều trước đây mà tôi vẫn còn do dự. Bạn tin không, với 100 USD đó, tôi thành lập Colina Dreamcatcher, hoạt động trong các lĩnh vực mà trước đây với vị trí là một cá nhân tôi đã làm việc như một freelancer hay làm việc cho các công ty khác.

Trong suốt 8 tháng đầu tiên lập công ty, tôi không có một hợp đồng nào, vừa cố gắng tìm kiếm khách hàng, mở rộng quan hệ vừa nhận job freelance để sống. Tôi phải mượn tiền của gia đình và bạn bè rồi xoay vòng ưu tiên những người có thể cho mình mượn lâu và không lấy lãi. Sau một năm nghỉ việc, tôi được quyền rút toàn bộ bảo hiểm xã hội tổng cộng 120 triệu. Số tiền đó, một phần để trả nợ, một phần cho mục đích ngoại giao. Vì là dân bán hàng nên chỉ cần tôi đi gặp khách hàng là sẽ sales được dịch vụ của mình. Cho nên các chi phí của công ty chủ yếu nằm trong khoảng đi lại gặp gỡ khách hàng.

Tôi bắt đầu có những khách hàng đầu tiên. Và bây giờ, họ ở Việt Nam, Myanmar, Singapore. Còn Colina Dreamcatcher đang lớn lên từng ngày với rất nhiều dự định đã và đang được hiện thực hóa. Dưới đây là những điều kiện cần của một startup, từ chia sẻ của cá nhân tôi, ngoài vấn đề đầu tiên là “tiền đâu”.

1. Sức khỏe: thể chất và tinh thần. Chọn con đường startup nghĩa là chấp nhận những ngày tháng trầm cảm, mục tiêu càng cao thì càng cô đơn. Thế nhưng chỉ khi nào chỉ số hạnh phúc của mỗi con người cao thì họ mới thăng hoa trong công việc. Hãy làm mọi cách để có năng lượng tích cực, chỉ đi giao du với những người lan tỏa năng lượng tích cực, những người nói về cảm hứng, ý tưởng, tương lai và các kế hoạch sắp tới.

2. Thời gian: tập trung toàn bộ tâm trí và sức lực. Tất cả các buổi gặp gỡ của tôi đều nói về các dự án, tôi lắng nghe nhiều hơn nếu như đó là kiến thức tôi cần hoặc tôi hoàn toàn không có trước đây. Đừng phí thời gian nói chuyện phiếm về người khác, mình không phải họ nên không hiểu những lựa chọn con đường họ đi.

3. Các mối quan hệ và phương pháp ứng xử: Tôn trọng lợi ích của khách hàng. Luôn trung thực với khách hàng lẫn đối tác, sẵn sàng nhận lỗi nếu không thực hiện được cam kết như thỏa thuận. Tôi thà có 5 mối quan hệ chất lượng để có thể trao đổi và chia sẻ hay cùng giúp đỡ lẫn nhau còn hơn 10-20 quan hệ hời hợt.

4. Tập trung xây dựng hình ảnh thương hiệu: không bao giờ được đi chệch với triết lý kinh doanh của bản thân chỉ vì lợi trước mắt. Uy tín là thứ khó khăn để có được và còn khó hơn để giữ.

5. Tầm nhìn và chiến lược: nó quyết định định hướng thương hiệu mà người sáng lập và các cộng sự sẽ theo đuổi suốt chặng đường. Phải đảm bảo tất cả cộng sự hiểu được tầm nhìn và chiến lược đó.

6. Những người cộng sự: cũng như người làm chủ, họ sẽ không làm tốt công việc nếu họ không có sức khỏe, sự hài lòng trong môi trường làm việc. Ngày nay, nhiều người trẻ xem trọng việc học hỏi hơn mức lương nên điều mà startup cần là thể hiện điểm mạnh của bản thân, sẵn sàng học hỏi từ họ thì họ sẽ cống hiến hết mình. Sau gần hai năm khởi nghiệp, tôi chưa có một đối tác nào đứng tên trong cổ phần của công ty. Việc có cổ đông có mặt tốt và mặt xấu. Mặt tốt là khi cả hai cùng định hướng kinh doanh và phong cách làm việc, mặt xấu hầu như nhiều hơn – đặc biệt với tôi – vì có những quyết định điên rồ mà chỉ có tôi mới hiểu tôi đang làm gì. Do đó, hãy thận trọng và cân nhắc kỹ càng.

7. Tư duy và trí tuệ: đây là hai thứ dù có là startup hay không thì mỗi người cũng phải phấn đấu để phát triển bản thân.

8. Kỹ năng tiếp thị và bán hàng: bất kỳ sản phẩm nào tôi tạo ra tôi đều muốn bán nó, giá cả sẽ rất khó xác định hơn vì đa số chúng là dịch vụ. Đây là một thử thách lớn vì nếu khách hàng thất vọng với sản phẩm – chúng tôi sẽ không có cơ hội thứ hai. Tôi không thích ép người khác mua hàng, tôi muốn họ cảm thấy thích và cần có được sản phẩm đó. Nếu là dịch vụ thì tôi muốn họ thích được làm việc với đội ngũ của chúng tôi. Tôi bán hàng bằng uy tín của cá nhân lẫn cả doanh nghiệp của chúng tôi.

9. Tài chính: hãy nhận tất cả những hợp đồng nhỏ, những thỏa thuận mà khách hàng chi trả bằng quyền lợi có ích cho các dự án công ty cho tới khi có các hợp đồng lớn hơn. Khi đã nhận thì dù lớn hay nhỏ cũng phải làm hết mình. Nếu không nhận, phải biết từ chối một cách lịch sự. Bởi, biết đâu chừng, bạn sẽ gặp lại họ, trong một dự án khác.

Theo doanhnhansaigon.vn

0/5 (0 Reviews)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tin mới