11.2 C
New York
Thứ hai, 25 Tháng mười một 2024

Buy now

spot_img

Bỏ tư duy ‘làm cho xong’ trong nông nghiệp

‘Nếu chúng ta xây nhà trên nóc thì rất khó, chúng ta phải chấp nhận đắp nền’, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ khi bàn về chủ đề kinh tế nông nghiệp.

Không dùng từ “thương lái ép giá”

Tại buổi Toạ đàm “Kinh tế và kinh doanh nông nghiệp” do Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức vào ngày 16/11, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ: “Doanh nghiệp, doanh nhân nhạy bén với thị trường như con tôm, con cá nhạy bén với độ mặn của nước; chỉ cần thay đổi nhỏ, lập tức phản ứng liền”.

Tư lệnh ngành Nông nghiệp nói thêm, nhiều khi chúng ta xem lực lượng này là những người “ngồi mát ăn bát vàng”. Khi giá nông sản xuống thấp, chúng ta báo cáo là “có hiện tượng thương lái ép giá”. Nhưng tôi nói rằng: “Không bao giờ dùng từ thương lái ép giá được đâu”.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ tại Toạ đàm về chủ đề Kinh tế và kinh doanh nông nghiệp do Đai học Kinh tế Quốc dân tổ chức. Ảnh: Minh Phúc.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ tại Toạ đàm về chủ đề Kinh tế và kinh doanh nông nghiệp do Đai học Kinh tế Quốc dân tổ chức. Ảnh: Minh Phúc.

Bởi, xã hội đã phân chia một bên là người sản xuất, một bên là người mua bán rồi. Thương lái là một nhóm người, còn nếu có ông X, ông Y ăn chênh lệch giá quá cao là mang tính cá thể.

“Nếu Bộ trưởng nói giá nông sản thấp do thương lái ép giá, thì nông dân thương Bộ trưởng lắm. Nhưng nó không giải quyết được vấn đề”, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, vấn đề quan trọng ở đây là phải liên kết được những người sản xuất và những người mua bán, kéo họ lại gần nhau, chia sẻ cho nhau để cùng phát triển.

Bên hành lang kỳ họp Quốc hội vừa qua, một số phóng viên hỏi Bộ trưởng Bộ NN-PTNT vì sao giá lợn xuống thấp? Báo chí cũng nói thương lái ép giá lợn dưới giá thành sản xuất. Để trả lời câu hỏi, ông Lê Minh Hoan về huyện Thanh Oai (Hà Nội), xuống mấy chuồng nuôi lợn hỏi nông dân.

Sau đó, vị tư lệnh ngành mời các phóng viên đó đến và nói: “Hôm trước các nhà báo phỏng vấn tôi, bây giờ tôi phỏng vấn lại, nếu quý vị nào trả lời được thì tôi có thưởng”.

Câu hỏi là: Quý vị nói thương lái ép giá đúng không? Vậy tại sao mấy hôm trước giá heo hơi 30.000 đồng/kg mà bữa nay lên tới 45.000 đồng/kg? Nếu thương lái có quyền ép giá, sao họ không ép xuống 30.000 đồng/kg mà phải mua 45.000 đồng?

“Kết quả là không ai trả lời được”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ và nêu quan điểm. Bản thân doanh nghiệp, thương lái không phải là người có quyền ép giá vì họ không phải là người tiêu dùng cuối cùng. Họ chỉ mua để cung cấp cho các lò mổ hay siêu thị, mà siêu thị cũng chưa ép được giá. Tất cả do người tiêu dùng và thị trường quyết định.

Ông lấy ví dụ: Khi nhu cầu tiêu thụ thịt lợn thấp, mỗi ngày thương lái chỉ bán được 2 con lợn, nhưng ông nông dân nhất quyết phải bán tất cả 10 con trong chuồng. Vậy, ông thương lái phải mất 5 ngày mới tiêu thụ hết đàn lợn. Họ phải mua thức ăn, nhân công chăm sóc, địa điểm nuôi nhốt… Họ phải mua giá thấp để bù đắp chi phí tăng thêm.

Sản xuất xanh là trách nhiệm xã hội

Bàn về tư duy chiến lược phát triển nông nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu bất cập: “Không biết từ khái niệm nào mà chúng ta cứ nghĩ an ninh lương thực là gạo. Trong khi đó, lương thực không chỉ là gạo, mà là những loại ngũ cốc, có chất đạm, chất béo để nuôi sống con người”.

Ngay cả quy định về Quy hoạch đất quốc gia hiện nay cũng nêu rõ phải “giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa”. Nhưng ở Nhật Bản không còn tư duy như vậy nữa. Họ đưa ra khái niệm: “An ninh lương thực, thực phẩm và cân bằng dinh dưỡng”. Họ tiếp cận vấn đề con người như vậy, chứ không chỉ ăn cho no. “Có lẽ là nạn đói năm 1945 vẫn còn ám ảnh chúng ta, thành ra chúng ta sợ như vậy”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thẳng thắn chia sẻ.

Sản xuất xanh không chỉ để tạo ra hàng hoá, mà nó còn là trách nhiệm xã hội. Ảnh: Minh Phúc.
Sản xuất xanh không chỉ để tạo ra hàng hoá, mà nó còn là trách nhiệm xã hội. Ảnh: Minh Phúc.

Ông cũng cho rằng, thế giới đang tiếp cận theo hướng sản xuất xanh, tiêu dùng xanh. “Ngày xưa mình nghĩ bán sản phẩm đơn giản lắm, thuận mua vừa bán là được… Nhưng vừa rồi, tôi làm việc với Ngân hàng Thế giới, các chuyên gia của họ cảnh báo rằng, một ngày nào đó, thị trường nước ngoài sẽ yêu cầu trên bao bì sản phẩm nông nghiệp phải ghi là “sản xuất theo quy trình không phát thải khí CO2”.

Lập luận về quan điểm sản xuất xanh không chỉ để tạo ra hàng hoá, mà nó còn là trách nhiệm xã hội, Bộ trưởng Lê Minh Hoan phân tích: Bà con cứ nghĩ thêm được vài chục kg, thêm được 1 tấn cam thì họ được bao nhiêu tiền. Nhưng bà con đâu biết, tất cả đều là sự đánh đổi, kể cả đánh đổi sức khoẻ của người tiêu dùng, của chính người sản xuất.

Có một phóng sự truyền hình chiếu ở ngoại thành Hà Nội, họ khảo sát thông qua test nhanh những người ở vùng trồng rau nhiều cán bộ địa phương và nông dân bị dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong máu.

Do đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, nhiều khi bà con chỉ tính chi phí mua phân, mua thuốc, mua giống, thuê đất, thuê lao động… nhưng còn những chi phí vô hình cho sức khoẻ con người, cho sự bạc màu của đất đai, sự biến dạng của thiên nhiên họ đâu có tính. Cho nên, nền nông nghiệp đánh đổi rất lớn nếu chúng ta tính hết chi phí.

Tư duy “làm cho xong” là tư duy của người thất bại

Tiếp tục câu chuyện kinh doanh nông nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan trích lại câu nói mà GS Phan Văn Trường thường chia sẻ khi nói chuyện về khởi nghiệp: “Tôi làm việc với rất nhiều tập đoàn đa quốc gia. Có những tập đoàn tôi làm CEO có cả trăm nghìn nhân viên, đủ quốc tịch, màu da, tiếng nói, văn hoá khác nhau. Họ nói với tôi một câu: “Không có dân tộc nào làm nhanh bằng dân tộc Việt Nam của các anh”.

Cần một tầm chiến lược dài hạn cho ngành nông nghiệp. Ảnh: MP.
Cần một tầm chiến lược dài hạn cho ngành nông nghiệp. Ảnh: MP.

Và GS Phan Văn Trường nói thêm: “Đó là tư duy làm cho rồi, làm cho xong. Đó là tư duy của người thất bại”, vì khi làm việc gì đó, anh không nghĩ xem có còn giải pháp nào tốt hơn không, nên anh làm ngay.

Còn tư duy của người ta, trước khi làm gì cũng đưa ra rất nhiều giải pháp, đến bao giờ họ nghĩ rằng không còn giải pháp nào hay hơn nữa thì mới bắt tay vào làm. Biết đâu có những giá trị mà chúng ta chưa đào sâu suy nghĩ mới là cái cốt lõi để tạo ra sự đột biến.

Đó cũng có thể là một lý do Việt Nam chúng ta làm nông nghiệp hàng nghìn năm nhưng vẫn bán nông sản thô. Chúng ta tư duy bán cho rồi, không giữ lại và nghĩ cách chế biến, kết hợp các nguyên liệu, hương vị,… để tạo ra hàng trăm, hàng ngàn sản phẩm dựa trên sản phẩm chính.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, tất cả những vấn đề trên sẽ được đề cập trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mà Bộ NN-PTNT đang xây dựng để trình Chính phủ trong tháng 12/2021.

Lần đầu tiên ngành nông nghiệp có một chiến lược dài hạn, vì nền nông nghiệp không thể tính ngày một ngày hai, không thể tính vụ trước vụ sau, không thể năm trước năm sau, thậm chí không phải một nhiệm kỳ mà giải quyết được những nội tại của ngành nông nghiệp chúng ta. Bởi vì đây là vấn đề rất lớn, mang tầm dài hạn, phải có chiến lược và chúng ta cùng nhau đeo đuổi chiến lược đó. Nếu chúng ta xây nhà trên nóc thì rất khó, chúng ta phải chấp nhận đắp nền.

Cần có chính sách đảm bảo phát triển nông nghiệp hữu cơ

Bà Bùi Thị Hạnh Hiếu – Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh chia sẻ: Trước đây doanh nghiệp rất ngại va chạm với cơ quan công quyền, nhưng sau quá trình được lãnh đạo Bộ NN-PTNT và các đơn vị dẫn dắt trong phát triển cây lúa, chúng tôi thấy mình không cô đơn.

Hiện nay, Bảo Minh đang liên kết chuỗi 7 nhà trong phát triển gạo đặc sản, gạo hữu cơ với diện tích quy hoạch khoảng 3.000ha và chế biến sản phẩm từ gạo, cung cấp cho 4.500 điểm bán lẻ toàn quốc.

Bà Bùi Thị Hạnh Hiếu - Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh. Ảnh: Minh Phúc.
Bà Bùi Thị Hạnh Hiếu – Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh. Ảnh: Minh Phúc.

Như mong muốn của Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhằm nâng niu và tôn vinh giá trị nông sản Việt, định hướng đến năm 2025, Công ty Bảo Minh sẽ thực hiện IBO để tôn vinh hệ sinh thái giá trị nông nghiệp Việt, thành lập hệ thống siêu thị và khách sạn nhà hàng.

Để làm được điều đó, chúng tôi thấy cần thiết lập “con chíp tư duy” vào bộ não của thế hệ trẻ, với sự dẫn dắt của các thế hệ đi trước, mang nhiệt huyết của chúng ta để tạo môi trường thuận lợi cho nghiên cứu cũng như thiết lập chính sách.

Bên cạnh đó, chúng tôi đề xuất cơ quan nhà nước cần bảo vệ từng vùng trồng cụ thể và có chính sách đảm bảo phát triển nông nghiệp hữu cơ. Vì doanh nghiệp thu mua lúa hữu cơ của nông dân với giá cao nhưng chưa có tiêu chuẩn thì không thể bán được với giá hợp lý.

 Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

0/5 (0 Reviews)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tin mới