8.6 C
New York
Thứ sáu, 22 Tháng mười một 2024

Buy now

spot_img

Từ làm ăn cá thể đến làm ăn tập thể

Càng đi vào tái cơ cấu nông nghiệp theo mô hình ‘hợp tác – liên kết – thị trường’, càng cho thấy kinh tế hợp tác là rất quan trọng.

Làm ăn tập thể theo mô hình hợp tác xã thế giới đã làm hàng trăm năm nay. Những quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến đều có hệ thống hợp tác xã rộng khắp.

Ở nước ta, có một thời kỳ hợp tác xã phát triển rất mạnh, thậm chí có nhiều hợp tác xã đạt đến quy mô toàn xã.

Rất tiếc, chính vì những ấu trĩ, giản đơn, mệnh lệnh hành chính, “đánh kẻng ra đồng”…, đã dẫn đến suy sụp mô hình hợp tác xã và di chứng vẫn kéo dài trong tâm thức xã hội đến tận ngày hôm nay.

Càng đi vào tái cơ cấu nông nghiệp theo mô hình “hợp tác – liên kết – thị trường”, càng cho thấy kinh tế hợp tác là rất quan trọng, là cứu cánh, là điểm tựa cần thiết cho việc tổ chức lại nền sản xuất truyền thống theo kiểu “đèn nhà ai nấy sáng, ruộng nhà ai nấy cày”.

Trong nền kinh tế thị trường, chúng ta không thể trong chờ vào vận may – rủi giá cả đầu ra lúc nào cũng cao vì đó là quy luật cung cầu. Muốn cải thiện thu nhập, không còn cách nào khác người sản xuất phải tìm mọi phương cách để giảm chi phí đầu vào và nâng cao chất lượng nông sản bằng mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP).

Muốn làm được điều đó, người sản xuất phải hợp tác lại; hợp tác lại để “mua chung, bán chung, dùng chung”, hợp tác để tạo lập và phát triển vùng nguyên liệu có chất lượng, có sản lượng đủ lớn để đàm phán giá bán với doanh nghiệp. “Hợp quần gây sức mạnh”, sức mạnh cạnh tranh trên thương trường.

Nói về mặt lý thuyết là vậy, nhưng vì sao hình thức làm ăn cá thể vẫn còn lấn át kinh tế hợp tác? Chúng ta thử cùng phân tích 2 nhóm đối tượng: Ban lãnh đạo hợp tác xã và người nông dân.

– Về người nông dân: Tâm lý ngán ngại với mô hình hợp tác xã kiểu cũ theo kiểu “cha chung không ai khóc” vẫn còn trong tiềm thức mặc dù đã có Luật Hợp tác xã kiểu mới ra đời. Bên cạnh đó, sự thiếu niềm tin vào tính minh bạch trong hoạt động và thu chi đối với lãnh đạo hợp tác xã dễ dẫn đến “chín nghi mười ngờ”, tâm lý thôi thì “không ai lo cho mình bằng chính mình”, “mình làm mình chịu” dễ hơn là làm theo cái chung “chín người mười ý” với bao phiền toái,… là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự chần chừ, ngán ngại với cách làm ăn, hợp tác trong bà con chúng ta.

– Về phía lãnh đạo hợp tác xã: Từ người nông dân làm ăn giỏi, có uy tín nhất định trở thành lãnh đạo hợp tác xã, vừa lo chuyện chung của hợp tác xã, vừa lo thửa ruộng, mảnh vườn, ao cá của riêng mình.

Có thể họ làm ăn giỏi trong một quy mô nhất định của gia đình, nay trở thành lãnh đạo hàng chục, hàng trăm xã viên với quy mô đồng ruộng lớn hơn, đồng vốn lớn hơn, lại phải đối diện với nhiều người có năng lực nhận thức khác nhau, cá tính khác nhau.

Giám đốc hợp tác xã là một doanh nhân trên thương trường đòi hỏi phải có bao nhiêu là kiến thức kinh doanh: kỹ năng quản trị nhân sự, quản trị dòng tiền, xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển, khả năng phân tích thị trường, kỹ năng đàm phán với doanh nghiệp…

Biết bao việc còn xa lạ, còn ngỡ ngàng đối với nhiều lãnh đạo hợp tác xã, những điều mà không phải ngày một ngày hai, chỉ qua vài lớp tập huấn, bồi dưỡng là khắc phục được nếu không có sự hỗ trợ đầy đủ và thường xuyên từ nhiều phía, đặc biệt là chính quyền. Cá biệt, một số lãnh đạo hợp tác xã là những nhóm lợi ích, hoạt động không theo tôn chỉ rõ ràng, chỉ chạy theo lợi nhuận đơn thuần mà không hướng đến lợi ích của xã viên.

Tóm lại, cần nhận diện rõ điểm nghẽn trong thực hiện chủ trương phát triển kinh tế hợp tác. Cơ chế, chính sách chắc chắn sẽ được điều chỉnh để hợp tác xã phát triển, nhưng trước hết, phải tạo ra độ “sẵn lòng” từ người nông dân, từ sự nhìn thẳng vào những điểm nghẽn vừa nêu. Nếu không, sự thay đổi về thể chế cũng sẽ không đi vào cuộc sống.

Các cấp uỷ đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị – xã hội, trong đó, đặc biệt là Hội Nông dân phải cùng “ra đồng”, cùng người nông dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm.

“Một mảnh đất, một đời người”, mọi sự thay đổi là sự dằn vặt, thậm chí đấu tranh không khoan nhượng giữa cái cũ và cái mới, giữa cái riêng và cái chung, giữa cá thể và tập thể, là một quá trình đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ.

Đừng trách người nông dân sao cứ bám víu vào kiểu sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự phát! Thay vì ngồi than trách, chúng ta hãy bắt tay cùng hành động.

Xích Lô

0/5 (0 Reviews)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tin mới