8.7 C
New York
Thứ sáu, 22 Tháng mười một 2024

Buy now

spot_img

Nông dân Lai Vung canh tác quýt hồng trong nhà màn

ĐTO – Với mong muốn sớm vực dậy loại cây thế mạnh của địa phương, thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện Lai Vung hỗ trợ nông dân thực hiện mô hình canh tác quýt hồng trong hệ thống nhà màn. Đây là mô hình áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nhằm giảm bớt tác hại của thời tiết, tác nhân gây bệnh, giúp cây quýt hồng phát triển theo hướng bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan (bìa phải) thăm vườn quýt hồng trong nhà màn của nông dân huyện Lai Vung

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung, địa phương hỗ trợ cho 2 nông dân thí điểm xây dựng mô hình canh tác quýt trong nhà màn với tổng diện tích gần 9.000m2. Sau khi được tập huấn về kỹ thuật canh tác, các nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ xây dựng hệ thống nhà màn với tính năng che chắn, hạn chế ánh sáng trực tiếp nhưng vẫn thoáng gió, độ bền cao. Mỗi nông dân tham gia sẽ được hỗ trợ kinh phí xây dựng hệ thống nhà màn khoảng 100 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Văn Tho, ngụ xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung, thời gian qua, trước sự bất thường của thời tiết, canh tác quýt hồng đang ngày một khó khăn hơn nên gia đình ông có ý tưởng xây dựng hệ thống nhà màn bảo vệ cho vườn quýt. Tuy nhiên, cản trở lớn nhất chính là kinh phí xây dựng nhà màn. Khi biết ngành nông nghiệp địa phương hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà màn trồng quýt hồng, ông Tho mạnh dạn đăng ký thực hiện mô hình.

Với hơn 5.000m2 quýt trồng trong nhà màn, ông Nguyễn Văn Tho chia sẻ: “Ưu điểm vượt trội của phương pháp này so với sản xuất truyền thống là hạn chế sự tác động tiêu cực của các yếu tố tự nhiên tác động đến cây trồng, giúp cây trồng phát triển tốt, hạn chế tình trạng trái bị hư, giúp sản phẩm tiếp cận với thị trường thuận lợi hơn. Cùng với đó, việc canh tác trong hệ thống nhà màn còn giúp bảo vệ tốt môi trường sinh thái xung quanh. Nhà màn có thể kéo ra, đóng lại rất dễ dàng, nhà vườn chủ động được thời gian canh tác”.

Từ những hiệu quả bước đầu của mô hình, ông Nguyễn Văn Đầy ở xã Long Hậu, huyện Lai Vung cũng tham gia xây dựng nhà màn để canh tác quýt hồng. Ông Đầy cho biết: “Sau hơn 3 năm thực hiện theo quy trình khắc phục hiện tượng thối rễ, chết xanh trên cây có múi, vườn quýt gia đình tôi đã khởi sắc, cây phục hồi và phát triển tốt. Nhằm tiếp tục khai thác giá trị mang lại từ cây quýt hồng, tôi còn đầu tư xây dựng hệ thống nhà màn giúp cây phòng tránh sâu bệnh, đặc biệt là ruồi vàng đục trái. Trung bình, mỗi nhà màn sẽ sử dụng được khoảng 5 năm. Ngoài ra, hệ thống nhà màn còn giúp nhà vườn tiết kiệm được lượng phân bón và hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật”.

Ông Huỳnh Minh Trí – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung cho biết: “Hướng đến sự phát triển bền vững cây quýt hồng, ngành nông nghiệp huyện nghiên cứu và hỗ trợ nông dân xây dựng hệ thống nhà màn, biện pháp canh tác giúp bảo vệ vườn trong những giai đoạn phát triển và hạn chế được nhân công lao động. Tuy chỉ mới đi vào hoạt động nhưng mô hình canh tác này bước đầu giúp quýt hồng hạn chế sâu bệnh gây hại, hạ giá thành sản xuất, bảo vệ sức khỏe cho nông dân và người tiêu dùng”.

TRANG HUNH – BÁO ĐỒNG THÁP

0/5 (0 Reviews)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tin mới