Chiều 25/11, Hội đồng giám khảo cuộc thi Dự án khởi nghiệp – Nông nghiệp phát triển bền vững lần 7 – 2021 đã chọn 13 dự án xuất sắc nhất của bảng B vào thi chung kết. Đa số các dự án đi tiếp là những gương mặt thân quen, từng đoạt giải cao ở các mùa thi trước đây. Như vậy, cùng với 9 dự án ở bảng A vòng chung kết sẽ có tổng cộng 22 dự án tranh tài.
Trong số 13 dự án đi tiếp, TP.HCM có 3 dự án thuộc Công ty TNHH Phát Triển Dừa Nước Việt Nam của Phan Minh Tiến, Công ty TNHH XNK Thiên Nhiên Việt của Nguyễn Ngọc Hương và Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Tomcare của Nguyễn Thanh Hiền. Trong đó, Ngọc Hương và Minh Tiến là 2 nhân vật lần lượt đoạt giải nhất và nhì mùa thi 2019. Dự án Du lịch C2T, do Võ Văn Phong (Bến Tre) sáng lập và vận hành đoạt giải nhất mùa thi 2018 cũng giành vé vào chung kết. Quán quân mùa thi 2020 là Phạm Đình Ngãi, CEO Công ty TNHH Trà Vinh Farm (Mật hoa dừa Sokfarm) cũng nằm trong top 13 dự án xuất sắc tại bảng thi này. Đồng Tháp và Ninh Thuận cùng có 2 dự án vào chung kết. Số còn lại thuộc các tỉnh, thành như Bến Tre, Cà Mau, ĐắkLắk, Hà Giang và Hải Phòng.
Khác với bảng A, các dự án bảng B đã chia sẻ những câu chuyện vượt khó trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 và các hoạt động trong năm 2021. Không ít doanh nghiệp từng phát khóc, bế tắc tưởng chừng không lối thoát, nhưng họ đã nổ lực, tìm cách xoay trở để duy trì dự án, chờ đợi cơ hội để vươn lên. Nhiều doanh nghiệp tìm cách để tái định hình các hoạt động, chuyển đổi mô hình kinh doanh, thay đổi cách truyền thông, nâng cấp sản phẩm thông qua các tiêu chuẩn để tăng tính cạnh tranh, cắt giảm chi phí… để thích ứng. Những câu chuyện, những kinh nghiệm do các dự án chia sẻ tại vòng thi này giúp ích rất nhiều cho các dự án tham gia tại cuộc thi năm nay và cả cộng đồng doanh nghiệp trong hệ sinh thái SKC.
Giám khảo Nguyễn Lâm Viên – CEO Công ty CP Vinamit khi tổng kết vòng bán kết ở bảng B đã nhìn nhận rằng, các chủ dự án rất bản lĩnh, thích nghi và kịp thời ứng biến trước khó khăn của đại dịch. Việc họ phải thay đổi cả phương thức kinh doanh để thích ứng với hoàn cảnh, đồng thời ủ mưu chờ cơ hội phục hồi trở lại khiến ông nể phục. Chính niềm lạc quan, hành động nhanh gọn, dứt khoát đã giúp các bạn vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất. Điều này ở các thế hệ khởi nghiệp trước đây không có nhiều. Đa số các bạn khởi nghiệp tham gia vòng thi này đã từng tham gia ở các mùa thi trước hoặc tham gia các lớp tập huấn do Trung tâm BSA tổ chức, do đó các bạn đã không quên ơn của những người đã dìu dắt, chia sẻ, đồng hành trong suốt thời gian qua. Ông Lâm Viên cho rằng đây chính là “Văn hóa biết ơn”, một trong những điều không thể thiếu trong quá trình phát triển của doanh nghiệp.
Trong khi đó, giám khảo Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội DN HVNCLC tâm sự rằng, dịch Covid-19 đã làm cho cuộc sống của chúng ta thay đổi quá nhiều. Cuộc thi năm nay cũng thay đổi luôn cả hình thức trình bày bài thi. Những năm trước, khi tổ chức offline, các dự án còn trưng bày, triển làm sản phẩm, được gặp gỡ, giao lưu với nhau thì năm nay, hình thức thi được chuyển thành online, chỉ số ít tham gia offline. Điều này dẫn đến một số bất cập đối với các bạn chưa quen về kỹ thuật, nhưng đây lại là cơ hội để các chủ dự án làm quen với nhiều giải pháp, thực hiện nhiều hình thức trình bày bài thi bằng powerpoint, video clip…
Qua những câu chuyện, tôi thấy rằng các bạn ngày càng trưởng thành. Nói chung, cuộc thi năm nay, trình độ của các bạn có tiến bộ hơn. Điều này do một phần là cả xã hội đang tập trung hỗ trợ cho lực lượng các bạn trẻ khởi nghiệp, thêm một lý do khác nừa là chúng ta đã kiên trì tổ chức hàng loạt những buổi tập huấn trong suốt cái thời gian qua thông qua các lớp online. Xét về trình độ về kiến thức quản trị của các bạn cũng được nâng cao, nguyên vật liệu, quy trình sản xuất và đặc biệt là hiểu biết về hành vi của người tiêu dùng được các bạn hiểu sâu hơn và thực hành tốt hơn là những năm trước. Bà Vũ Kim Hạnh chia sẻ.
DANH SÁCH 09 DỰ ÁN BẢNG A LỌT VÀO CHUNG KẾT
Số thứ tự | Họ và tên | Tên dự án | Địa phương |
1 | Đinh Thị Hạnh Tâm | COBOTÉ – Ứng dụng giá trị dừa vào sản phẩm chăm sóc cá nhân | Bến Tre |
2 | Nguyễn Tá Đông | Chắp cánh ước mơ nông nghiệp Việt | Khánh Hòa |
3 | Nguyễn Thị Hương Thanh | Mật chuối Tabai – Nâng cao giá trị trái Chuối Việt và hỗ trợ đồng bào dân tộc Raglai mưu sinh | Khánh Hòa |
4 | Vũ Thị Liễu | Sợi lá dứa ECOSOI – Nguyên liệu bền vững – Thời trang cao cấp | Nghệ An |
5 | Hồ Xuân Vinh | ABACA – máy ngành sợi chuối | Nghệ An |
6 | Phạm Hùng Cường | Đổi rác lấy rau | Quảng Ngãi |
7 | Trần Thị Xuân Quỳnh | Lan tỏa giá trị chăm sóc sức khỏe tự nhiên từ cây quế rừng | TPHCM |
8 | Lê Thị Phương Thảo | Thịt thay thế – meat substitute | TPHCM |
9 | Lê Minh Cương | Tương ớt cổ truyền Spico | Thanh Hóa |
DANH SÁCH 13 DỰ ÁN BẢNG B VÀO CHUNG KẾT
Số thứ tự | Tên dự án | Tên thí sinh | Địa phương |
1 | Du lịch C2T | Võ Văn Phong | Bến Tre |
2 | CT TNHH Con tôm rừng | Phạm Xuân Thành | Cà Mau |
3 | CT TNHH SX – TM Pơ Lang | Phạm Thị Thu Hằng | Đăklăk |
4 | CT TNHH Tây Cát | Nguyễn Thị Các Thủy | Đồng Tháp |
5 | CT TNHH Tinh dầu Hương Đồng Tháp | Đoàn Ngọc Minh Thùy | Đồng Tháp |
6 | HTX Po Mỹ | Lưu Thị Hòa | Hà Giang |
7 | CTCP Thực phẩm An Biên | Bùi Ngọc Cường | Hải Phòng |
8 | Ong dú JiChi | Nguyễn Hữu Trực | Ninh Thuận |
9 | CS SX và chế biến nông sản ChangChang Farm | Lê Thị Nhã Trang | Ninh Thuận |
10 | CT TNHH Phát Triển Dừa Nước Việt Nam | Phan Minh Tiến | TPHCM |
11 | CT TNHH XNK Thiên Nhiên Việt | Nguyễn Ngọc Hương | TPHCM |
12 | CT TNHH Công nghệ Sinh học Tomcare | Nguyễn Thanh Hiền | TPHCM |
13 | CT TNHH Trà Vinh Farm | Phạm Đình Ngãi | Trà Vinh |