8.7 C
New York
Thứ sáu, 22 Tháng mười một 2024

Buy now

spot_img

Câu chuyện nông dân chuyên nghiệp

Cụm từ ‘Nông dân chuyên nghiệp’ có vẻ là một cố gắng thay đổi hình ảnh nông dân làm theo kiểu tự phát, làm theo kiểu truyền từ đời này sang đời khác.

Nhưng hình như hiểu thế nào là chuyên nghiệp lại là vấn đề cần có những nghiên cứu, đối chiếu, so sánh, thậm chí trở thành giáo trình cho các lớp huẩn luyện nông dân và cả cán bộ khuyến nông, cán bộ các cấp Hội nông dân. Bài này xin lạm bàn những suy nghĩ ban đầu với những góp nhặt và trải nghiệm.

Nông dân nước mình tự hào làm nông từ bao đời rồi. Có một lão nông còn nói chắc nịch rằng “Nông dân tụi tui nhắm mắt cũng mần ruộng được”. Thì quá đúng rồi, từ thuở cha ông vào khai mở mảnh đất này, những thế hệ đi trước đã biết gieo những hạt giống xuống đất, để mọc lên cây lúa, đem lại những hạt gạo thơm, chén cơm dẻo cho bữa ngon mỗi ngày.

Khách đến nhà thì “mời bác xơi cơm” với rau cá quanh nhà. Vậy thì có gì đâu mà phải cần “nông dân chuyên nghiệp”“Chuyên nghiệp” thì khác gì với “không chuyên nghiệp” hay “chưa chuyên nghiệp”, khác gì với với nông dân thế hệ cha anh trăm năm trước?

Nông dân từ làm đủ ăn, rồi có “của ăn của để”, tiến tới dư thừa đem bán cho người khác. Vậy là bắt đầu chuyện mua chuyện bán, bán cái mình có cho người không có. Đã là mua bán thì phải tính toán lợi nhuận.

Muốn lợi nhuận cao có thì phải bán nhiều, muốn bán nhiều thì phải có sản lượng nhiều, muốn sản lượng nhiều thì phải sản xuất cho nhiều, năng suất phải cao. Năng suất cao đụng trần thì phải dùng đến chất tăng trưởng, tăng trọng. Một quy luật bất biến ấy kéo dài mấy mươi năm.

Nhưng rồi cái quy luật đó bắt đầu không còn thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của người tiêu dùng. Ngày xưa ít người bán, người tiêu dùng ít có sự lựa chọn, có nhiều đâu mà kèn cựa. Ngày nay thì “trăm người bán, vạn người mua”, người tiêu dùng bắt đầu “kén cá, chọn canh”, có quyền chọn lựa sản phẩm nào phù hợp với mình.

Xã hội khá giả dần lên thì người ta chuyển từ ăn cho no, đến ăn cho ngon, rồi ăn phải sạch, tiến đến ăn phải có nhiều chất dinh dưỡng, lành mạnh, tốt cho sức khoẻ. Vậy, “nông dân chuyên nghiệp” là biết sản xuất ra những sản phẩm thị trường cần, chứ không phải sản xuất theo ý của mình.

Giá cả là do quy luật cung – cầu quyết định. Cái gì dư thừa thì giá thấp, cái gì khan hiếm thì giá cao. Cùng một sản phẩm chất lượng như nhau thì người tiêu dùng chắc chắn chọn sản phẩm có giá cạnh tranh hơn.

Vậy người sản xuất phải nắm cái quy luật vô hình đó, mà làm sao sản xuất cho vừa bảo đảm chất lượng, vừa có giá thành thấp nhất có thể. Muốn giá thành thấp thì phải vừa giảm giá, vừa giảm lượng vật tư đầu vào.

Muốn giảm giá thì “mua chung” theo giá sỉ, muốn “mua chung” thì phải tham gia kinh tế hợp tác. Muốn giảm lượng vật tư đầu vào thì cần sản xuất theo quy trình chuẩn hoá dựa trên khuyến nghị của nhà khoa học, ngành chuyên môn. Vậy, “nông dân chuyên nghiệp” là biết sản xuất sao cho tiết kiệm nhất, để giá thành hợp lý nhất, mà vẫn bảo đảm chất lượng.

Nông dân xứ mình luôn cần cù, thậm chí còn tự hào “cần cù bù thông minh”. Nhưng ngày nay, nền nông nghiệp thông minh tạo ra giá trị gia tăng vượt bậc. Ngày xưa muốn thăm ruộng, tưới tiêu thì nhất thiết phải ra đồng. Ngày nay chỉ cần một chiếc điện thoại cầm trên tay thì dù ở bất kỳ đâu vẫn kiểm tra được đồng ruộng, vườn tược và điều khiển tưới tiêu.

Ngày xưa thu hoạch xong thì chờ thương lái đến mua tận đồng, tận vườn. Ngày nay thì phải phân loại, bảo quản, sơ chế, chế biến ra nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Vậy nông dân phải thông minh, mà muốn thông minh thì phải không ngừng học hỏi. Kiến thức thì vô tận: kiến thức sản xuất, kiến thức ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, kiến thức kinh doanh,… Vậy, “nông dân chuyên nghiệp” là người có tri thức, vừa có kiến thức, kỹ năng sản xuất, vừa có tư duy kinh tế.

Xứ mình đang đối mặt với biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, lượng phù sa ngày càng suy giảm, đất đai suy kiệt do những vòng quay sản xuất không ngơi nghỉ, dịch bệnh thường xuyên hơn. Nông dân đã phải sử dụng, thậm chí là lạm dụng, thuốc bảo vệ thực vật.

Vậy là nông sản tồn dư lượng hoá chất độc hại ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng, khiến người tiêu dùng ngần ngại, mất lòng tin. Hoá chất độc hại còn phá huỷ môi trường tự nhiên, làm mất cân bằng hệ sinh thái, hệ luỵ là “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”Vậy, “nông dân chuyên nghiệp” là trước hết là người, có tâm, biết nghĩ đến sức khoẻ của người khác, lợi ích chung của cộng đồng, là người có kiến thức và hành động vì một nền nông nghiệp phát triển bền vững cho hôm nay và cho thế hệ tương lai.

Nông dân xứ mình ngày xưa “đèn nhà ai nấy sáng, đất nhà ai nấy làm”, sống một mình, làm cũng một mình. Bởi vậy, dẫn đến một lời nguyền về một nền nông nghiệp “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát”. Muốn vượt qua lời nguyền đó, phải mở rộng quy mô sản xuất.

Muốn mở rộng quy mô sản xuất, thì phải biết hợp tác với nhau. Hợp tác với nhau để cùng làm theo một quy trình chuẩn hoá, cùng mua chung để giảm giá, cùng bán chung số lượng nhiều, đủ làm tăng đối trọng đàm phán giá cả, cùng tổ chức những hoạt động dịch vụ để tăng thêm thu nhập. Hợp tác cùng nhau thì không chỉ biết nghĩ đến cái lợi cho riêng mình mà quên đi cái lợi của người khác. Vậy, “nông dân chuyên nghiệp” là người hiểu rõ sức mạnh của tinh thần hợp tác, tự nguyện tham gia vào các tổ chức kinh tế tập thể.

Nông dân mình trước nay quanh quẩn trong nhà, bên trong luỹ tre làng, suốt ngày ra vô cánh đồng, mảnh vườn. Không gian sống bó hẹp thì suy nghĩ, tầm nhìn, khát khao cũng bị bó hẹp.

Muốn suy nghĩ lớn hơn, tầm nhìn xa hơn, khát khao mãnh liệt hơn, thì phải vượt ra không gian làng xã, kết nối với không gian liên xã, liên huyện, liên tỉnh, liên vùng. Trong không gian kết nối đó, người nông dân được tiếp xúc với các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp, được cung cấp kiến thức, kỹ năng, tư vấn, liên kết,… Vậy, “nông dân chuyên nghiệp” là người có tư duy mở, luôn mong muốn mở rộng không gian giao tiếp, chủ động tạo lập các mối quan hệ xã hội.

“Sức khoẻ là vàng”, người xưa đã đúc kết như vậy. Muốn làm bất cứ việc lớn việc nhỏ nào mà không đủ sức khoẻ thì khó mà đi đến thành công cuối cùng. Ngày nay, người ta không còn hiểu sức khoẻ chỉ là một thể chất tráng kiện, những cơ bắp săn chắc, mà còn cần đến một cuộc sống lạc quan, hạnh phúc.

Con người phải có nguồn năng lượng dồi dào, để xua đi những cảm xúc tiêu cực, hướng tới khát vọng cao hơn. Một số nghiên cứu chỉ ra nguyên nhân dẫn đến nhiều căn bệnh như tăng huyết áp, làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể, thường là do sự căng thẳng, lo âu, bi quan, phiền muộn,… Vậy, “nông dân chuyên nghiệp” là người vừa có sức khoẻ về mặt thể chất, vừa có sức khoẻ về mặt tinh thần, một bầu nhiệt huyết chảy tràn trong một cơ thể dẻo dai, khoẻ mạnh.

Người nông dân chuyên nghiệp khởi nguồn từ những con người sống tử tế, làm ăn tử tể. Sự tử tế bắt đầu bằng chữ TÍN, một chữ thôi mà đem lại thành công cho người này, thất bại cho người khác.

Nông dân chuyên nghiệp là yêu cầu tiên quyết để hình thành một nền nông nghiệp chuyên nghiệp. Thay vì thương cảm, xót xa với thực trạng của người nông dân, hãy định hướng cho người nông dân hướng đến chuyên nghiệp.

Muốn vậy cần nhiều lớp tập huấn nâng cao kiến thức cơ bản, bồi dưỡng kỹ năng, huấn luyện chuyên môn, tạo ra không gian mở để người nông dân tiếp cận, kết nối những mới mẻ, đa dạng, phong phú trong xã hội. Đây là câu chuyện sống còn của tiến trình chuyển đổi nền nông nghiệp nước nhà.

Vậy đừng làm theo kiểu phong trào, đánh trống bỏ dùi! “Ngày mai bắt đầu từ ngày hôm nay…”.

Xích Lô

0/5 (0 Reviews)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tin mới