Bà cụ gần 100 tuổi được mệnh danh ‘người sành internet nhất Việt Nam’ là một dẫn chứng truyền cảm hứng cho những nhà nông hàng ngày vẫn loay hoay ‘cuốc bẫm cày sâu’.
Nhiều người ngồi chống cằm than: “Thanh niên trai tráng nông thôn bây giờ rời quê lên thành thị hết rồi, ở nông thôn giờ nhìn quanh quất chỉ toàn người già với… người cao tuổi. Làm nông nghiệp mà chỉ toàn là những người không nhiều sức lực, giảm dần sự tinh anh, nhanh nhạy, thì nền nông nghiệp đất nước sẽ đi đến đâu, về đâu? Biết bao giờ mới tiến kịp người ta?”.
Rồi chặc lưỡi, rồi lắc đầu, rồi ngao ngán! Vậy là có bi kịch quá không, có còn chỗ cho “ánh sáng le lói cuối đường hầm” không?
Là nơi tập trung các hoạt động công nghiệp, dịch vụ, các đô thị lớn đóng góp phần lớn cho sự tăng trưởng đất nước. Các hàng hoá, dịch vụ đa dạng tại đây còn gắn kết chặt chẽ, lan toả đến khu vực nông thôn. Với đặc thù đó, xu hướng đô thị hoá kèm theo dòng chảy chuyển dịch lao động từ nông thôn lên đô thị là điều bất kỳ đất nước nào cũng trải qua. Tỷ lệ đô thị hoá biểu hiện thước đo sự phát triển. “Nước chảy về chỗ trũng” như “lực hút” hội tụ dòng người tập trung về đô thị, với nhịp sống năng động, mức thu nhập cao, cơ hội việc làm đa dạng.
Lớp trẻ rời đi, thì tất yếu còn lại người già ở lại, bám trụ ruộng vườn, hàng ngày hương khói gia tiên, chăm sóc mồ mả ông cha.
Thử hình dung ngược lại, sẽ như thế nào nếu người già đổ về đô thị, đứng bên dây chuyền sản xuất luôn đòi hỏi cường độ làm việc cao?
Thử hình dung ngược lại, sẽ như thế nào nếu người già đổ về đô thị làm dịch vụ, những ngành nghề luôn đòi hỏi sự năng động, nhanh nhẹn?
Thường điều gì tồn tại có tính phổ quát, đều có nguyên nhân của nó. Và khi đã không thể thay đổi được điều đó thì chúng ta chỉ còn cách thay đổi cách nhìn để tìm ra giải pháp chuyển hoá thành những điều tích cực.
Đó là triết lý “tìm cơ trong nguy”, là “đếm từng điều có thể”, thay vì “đếm điều không thể”. Thay vì cứ than vãn, thì hãy bắt tay vào hành động.
Người già có làm nông được không? Sao lại không, “lão nông” thì “tri điền” mà! Lão nông bao đời gắn bó với ruộng vườn, ngửi được mùi đất, nhìn chuồn chuồn bay có thể đoán biết thời tiết. Làm nông thời buổi bây giờ đâu còn “tay lắm chân bùn”, “xắn quần lội ruộng” nữa.
Máy móc thay dần sức người rồi. Công nghệ đem đến những thông tin kịp thời, chính xác, thay cho “trông trời, trông đất, trông mây; trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm”. Những nhà thiết kế công nghệ ngày càng tạo ra những tiện ích, ứng dụng thuận tiện, dễ dàng sử dụng, phổ biến.
Vậy là không chỉ “tri điền”, những lão nông còn biết cách tự “tri thức hoá” những kiến thức làm nông thời công nghệ. Vấn đề là công tác phổ biến, cập nhật kiến thức, kỹ năng cho những lão nông. Cả thế giới đều tiếp cận triết lý “Học tập suốt đời” mà.
Bà cụ gần 100 tuổi được mệnh danh “người sành internet nhất Việt Nam” là một dẫn chứng truyền cảm hứng cho những nhà nông hàng ngày vẫn loay hoay “cuốc bẫm cày sâu”. Một khi “tri điền” được cộng hưởng với “tri khoa học”, “tri công nghệ” sẽ kích hoạt tiềm năng đất đai, mở ra dư địa phát triển, mang lại thu nhập cao hơn, giá trị cao hơn,
Nói như vậy không có nghĩa là nông nghiệp, nông thôn không cần đến những người trẻ. Ở đâu cũng vậy, ở thời nào cũng vậy, bên cạnh những mái đầu bạc vẫn cần có những mái đầu xanh. Xã hội chỉ phát triển khi những lứa tuổi ngồi bên cạnh nhau, bổ sung thế mạnh cho nhau, truyền cảm hứng cho nhau. Người lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm.
Người trẻ tiếp cận nhanh với tư duy mới. Kết hợp kinh nghiệm truyền thống với tư duy mới mẽ sẽ cộng hưởng thành giá trị cao trên từng đơn vị diện tích. Những người trẻ mang lại sức sống trên những cánh đồng.
Những người trẻ đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ về nông thôn tạo ra giá trị gia tăng cao hơn nhờ tích hợp đa giá trị. Những người trẻ kết nối nông thôn với đô thị, kết nối sản xuất và thị trường, đưa nông sản ra đô thị và đem tri thức về nông thôn như những chuyến xe hai chiều.
Muốn một bộ phận những người trẻ ở lại nông thôn, trở về nông thôn cần tạo ra không gian phát triển kinh tế nông thôn. Trong không gian đó, sẽ có những ngành nghề nông nghiệp tiếp cận với kinh tế tri thức mới, công nghệ mới, cách làm nông nghiệp mới như hữu cơ, tuần hoàn, thông minh, sinh thái…
Trong không gian đó, sẽ có những ngành nghề phi nông nghiệp phát huy từ những giá trị truyền thống, lịch sử, văn hoá nông thôn, như du lịch nông nghiệp, nông thôn. Trong không gian đó, sẽ có những cộng đồng đầy năng lực và năng lượng, giúp thay đổi và tạo dựng hình ảnh nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Bác Hồ từng nhấn mạnh: “Càng già càng quắc thước, càng già càng anh hùng. Người trẻ có trách nhiệm giúp đỡ người già, người già có trách nhiệm động viên, khuyến khích và san sẻ kinh nghiệm cho người trẻ”.
Vậy, thay vì ngồi cám cảnh, trông chờ, cấp uỷ, chính quyền, tổ chức chính trị – xã hội và ngành chuyên môn hãy ngồi lại, cùng lập kế hoạch hành động.
“Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Vậy hãy bắt đầu đi, ai khởi hành trước thì người đó tới đích sớm. Đơn giản vậy thôi!
Xích lô