4.4 C
New York
Thứ sáu, 22 Tháng mười một 2024

Buy now

spot_img

4 xu hướng marketing B2C năm 2021

Các xu hướng trong marketing B2C (Business-to-Consumer, từ doanh nghiệp đến khách hàng) trong năm 2021 sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng chiến lược marketing, quảng bá sản phẩm hiệu quả.

Tối ưu và cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng

Người tiêu dùng ngày càng mong đợi vào những trải nghiệm được cá nhân hóa khi mua sắm hoặc sử dụng dịch vụ. Nếu trước đây những khuyến mãi hay ưu đãi về giá được cho là một trong những yếu tố hấp dẫn thúc đẩy người dùng chi tiêu, thì thực tế lại cho thấy yếu tố này chỉ chiếm khoảng 9% quyết định quay lại mua hàng của họ. Trong khi đó, những trải nghiệm tốt từ lần mua trước mới thực sự là yếu tố quyết định việc quay lại mua của người tiêu dùng, theo Deloitte. Vì thế, các doanh nghiệp (DN) cần phải cá nhân hóa những trải nghiệm tại mỗi điểm chạm với khách hàng, từ quá trình quyết định mua sắm cho đến sau khi mua và sử dụng sản phẩm, dịch vụ.

Sự bùng phát của Covid-19 trong năm 2020 cũng đem đến những cơ hội lớn cho thương mại điện tử (TMĐT). Tuy nhiên, sự chuyển đổi lên các nền tảng trực tuyến cũng khiến những chiến dịch truyền thông quảng bá của các DN dễ dàng bị sao chép và bắt chước. Chính vì vậy, cá nhân hóa việc tiếp cận khách hàng là vô cùng cần thiết bởi đây là cách các DN và thương hiệu tạo ra những trải nghiệm phù hợp với từng khách hàng.

Theo Mckinsey, khi được thực hiện đúng cách thì việc cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng có thể mang lại ít nhất từ 1-2% trong tổng doanh số bán hàng và giảm khoảng 10-20% chi phí cho quảng bá và tiếp thị. Để làm được điều này, các thương hiệu và DN cần đi sâu vào dữ liệu khách hàng về thói quen và hành vi khi mua sắm – những dữ liệu hoàn toàn có thể khai thác được trong bối cảnh hiện nay, khi ngày càng nhiều nhà bán lẻ và khách hàng di chuyển lên nền tảng trực tuyến để buôn bán và mua sắm.

Video tiếp tục dẫn đầu trong các định dạng nội dung

Theo số liệu từ báo cáo của Wearesocial, tình trạng kéo dài của dịch bệnh đã khiến 50% người dùng Việt Nam dành nhiều thời gian hơn cho các mạng xã hội. Trong đó, video ngắn và video dạng dọc là những định dạng phổ biến và được ưa chuộng bởi đông đảo người dùng. Đơn cử, sau làn sóng đầu tiên của Covid-19, TikTok – ứng dụng đăng tải và xem các video ngắn đã ghi nhận 1,65 tỷ lượt tải, khoảng 800 triệu người dùng hoạt động tích cực hằng tháng và 90% người dùng truy cập TikTok mỗi ngày, theo Datareportal.

Bên cạnh đó, việc sử dụng các MV ca nhạc trong chiến dịch quảng cáo cũng vẫn đang “làm mưa làm gió” nhờ sự nổi lên của rap. Hàng loạt chiến dịch và TVC (Television Commercial) trong thời gian vừa qua của các “ông lớn” đều có ít nhất một MV kết hợp với các rapper đình đám. Điển hình như ca khúc Cả ngàn lời chúc của Suboi và Rhymatics trong chiến dịch “Lời chúc hóa hành động – Lấm bẩn mang điều hay” của nhãn hàng OMO đạt 7,1 triệu lượt xem; MV Đi về nhà với sự kết hợp giữa JustaTee và Đen Vâu trong chiến dịch Tết 2021 của Honda đạt 63 triệu lượt xem chỉ sau hơn một tháng ra mắt…

Số liệu từ một cuộc khảo sát của Novaon Communication cho thấy, hơn 82,9% người nhận định rằng rap là thể loại thịnh hành của năm 2020 và chắc chắn sẽ được tiếp tục tận dụng trong năm tới.

Influencer Marketing và Livestream

Giãn cách cách xã hội đã khiến việc xem livestream nổi lên và được ưa chuộng nhờ khả năng biến hóa nội dung và tính tương tác cao. Có tới 69% người tham gia khảo sát của Adsota cho biết, họ xem các nội dung livestream tại nhà nhiều hơn so với thời kỳ trước đại dịch. Chỉ trong gần nửa tháng kể từ lệnh cách ly xã hội, mọi chỉ số livestream trên Facebook Gaming đều gia tăng đáng kể. Cụ thể, tổng lượt xem tăng tới 81,37% và cán mốc 119,7 triệu lượt; lượt tiếp cận và tương tác tăng lần lượt 79,6% và 50%. Để tạo độ phủ sóng rộng của livestream trong chiến dịch quảng cáo, bán hàng của nhãn hàng, sự hiện diện của Influencer (người có tầm ảnh hưởng) là một yếu tố không thể thiếu. Số liệu từ 7 Saturday’s Report cho thấy, có tới 90% người mua Việt Nam tin tưởng vào các đánh giá của Influencer. Nhờ sự đa dạng về lĩnh vực và khả năng truyền tải nội dung tài tình, Influencer Marketing đã trở thành “con cưng” của rất nhiều ngành hàng, điển hình là tiêu dùng nhanh (FMCG – Fast Moving Consumer Goods), công nghệ, làm đẹp, thương mại điện tử… Bên cạnh đó, sự đa dạng về mức chi phí cũng khiến Influencer trở thành lựa chọn phù hợp với rất nhiều quy mô doanh nghiệp và mục đích. Cũng theo 7 Saturday’s Report, chi phí cho các Influencer ở Việt Nam dao động từ 500.000-1,5 triệu đồng đối với Nano Influencer và lên đến 45-100 triệu đồng đối với Mega Influencer.

Liên tục đổi mới và sáng tạo trong R&D

Năm vừa qua, nền kinh tế Việt Nam đã chứng kiến sự chuyển đổi mô hình kinh doanh của rất nhiều DN nhằm phục vụ nhu cầu thị trường trong và sau thời kỳ giãn cách. Họ đã nhanh chóng nhận ra cơ hội lớn khi chuyển đổi lên từ bộ máy kinh doanh đến các sản phẩm, dịch vụ lên nền tảng kỹ thuật số, chẳng hạn như VNPT với các dịch vụ VNPT e-learning, VNPT meeting, VNPT e-Payment, hay FPT Shop với ưu đãi cung cấp các khóa học trực tuyến miễn phí cho khách hàng mua các sản phẩm máy tính. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều sản phẩm, dịch vụ mới ra đời giải quyết những vấn đề do Covid-19 gây ra như “ATM gạo”, các sản phẩm giải cứu nông sản như bánh mì thanh long, pizza thanh long, burger thanh long… và đã nhận được sự quan tâm và tin tưởng từ cộng đồng người tiêu dùng.

Nói chung, sự mới mẻ và tính giải pháp xã hội mà sản phẩm mang lại sẽ tạo ra hiệu quả truyền thông tích cực cho DN, góp phần xây dựng thương hiệu. Song các DN cần lưu ý sản phẩm, dịch vụ không nên được hình thành trên ý muốn chủ quan của DN mà phải dựa vào phản hồi từ chính khách hàng. Đó là lý do vì sao quá trình R&D (nghiên cứu và phát triển) vô cùng quan trọng. Ngoài ra, quá trình này nên được lên kế hoạch kỹ lưỡng với chi phí hợp lý bởi việc sản xuất và thử sản phẩm chắc chắn sẽ tốn một khoảng thời gian và nguồn lực nhất định, đặc biệt là đối với các DN nghiệp vừa và nhỏ.

Đào Thị Nương – CEO Công ty SOL Premier

0/5 (0 Reviews)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tin mới