Bộ trưởng Lê Minh Hoan kêu gọi chung tay vì nền Nông nghiệp không chỉ là “trụ đỡ” nền kinh tế, mà đủ sức trở thành “thước đo mức độ bền vững của quốc gia”.
Trước tiên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cám ơn lãnh đạo các đơn vị đã dành nhiều tình cảm ủng hộ và gửi lời chúc mừng khi ông đảm nhận nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ NN-PTNT. Ông Lê Minh Hoan cho rằng, đây vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm lớn lao trước sứ mạng đưa ngành Nông nghiệp tiếp tục vươn lên tầm cao mới.
Những năm qua, ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, được xem như kỳ tích khi trở thành “trụ đỡ” mỗi khi kinh tế đất nước lâm vào khó khăn, trước bối cảnh khó lường của thế giới.
Tự hào về điều đó, chúng ta không quên dự báo những trở ngại, thách thức lớn trong giai đoạn mới của một thế giới luôn thay đổi, biến động, bất định, phức tạp và mơ hồ. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm thay đổi đáng kể cách thức sản xuất, mô hình kinh doanh, phương thức quản lý nhà nước, sự vận hành của xã hội,…
Ngọn gió thay đổi đã len lỏi vào từng mảnh ruộng, cánh đồng, khu vườn, vào từng phân xưởng, nhà máy, vào từng tổ chức, đơn vị. Sự cạnh tranh trên thị trường nông sản ngày càng gay gắt hơn, không chỉ dừng lại ở giá cả, quy mô, chất lượng, mà còn thông qua hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu khắt khe về trách nhiệm xã hội, trách nhiệm bảo vệ môi trường bền vững,…
“Tôi thường trăn trở trước câu hỏi: “Ngoài kia gió đang thổi, chúng ta mượn sức gió để đi xa, bay cao, hay chúng ta chững lại, chấp nhận để ngọn gió xô đẩy?”, người đứng đầu ngành NN-PTNT viết.
Bộ trưởng nhắc lại, Nghị quyết Đại hội Đại biểu XIII của Đảng xác định quan điểm “chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp”.
Từ “chuyển đổi tư duy” sang “chuyển đổi mô hình tăng trưởng” sẽ là hành trình cần đến bước tiến mạnh mẽ, quyết tâm thực hiện kiên trì và bền bỉ, xuyên suốt Kế hoạch Hành động 05 năm tới của ngành Nông nghiệp và của mỗi chúng ta.
Nhiều Nghị quyết của Đảng đã từng nhận định các yếu tố tăng trưởng kinh tế đất nước đã chạm ngưỡng, cần phải tìm kiếm các dư địa tăng trưởng mới, đi theo chiều sâu. Trong nông nghiệp cũng vậy, năng suất, sản lượng đã dần chạm ngưỡng do giới hạn về trình độ khoa học kỹ thuật, sự suy giảm tài nguyên thiên nhiên, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan, dịch bệnh bất thường…
Diện tích đất sản xuất nông nghiệp càng ngày càng thu hẹp do phải chuyển đổi mục đích sử dụng. Bài toán phân bổ, cân đối hài hoà tương quan nguồn lực phát triển giữa ngành nông nghiệp với các ngành, khu vực khác cần lời giải thoả đáng.
Bộ trưởng cho rằng, trong nhiệm kỳ mới, ông cùng nhiều đồng chí mới được tín nhiệm, phụ trách ngành NN-PTNT. Sự đa dạng về chuyên ngành, chuyên môn được đào tạo, kinh nghiệm công tác thực tiễn, sự am hiểu, gắn bó mật thiết với các địa phương, khu vực của mỗi người chúng ta, có thể giúp cung cấp góc nhìn, quan điểm tiếp cận độc lập, mới mẻ về ngành. Song, cần chia sẻ với nhau rằng: NN-PTNT là lĩnh vực rất rộng, đòi hỏi cách tiếp cận mang tính hệ thống, liên ngành, liên lĩnh vực kinh tế – xã hội, từ yêu cầu, kiến thức khoa học, kỹ thuật chuyên biệt, đến tầm nhìn tổng thể, bao quát.
“Vì vậy, không có cách nào khác, chúng ta phải vừa làm vừa học, vừa học vừa làm. Học hỏi từ trong sách vở cho đến thực tiễn ruộng vườn, học hỏi từ chuyên gia am tường nhiều lĩnh vực cho đến bà con nông dân giàu kinh nghiệm. Trên thế giới, nền nông nghiệp truyền thống đã chuyển biến mạnh mẽ, không còn dừng lại ở cơ khí hoá, điện khí hoá, thuỷ lợi hoá, mà đã tiến đến nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, nông nghiệp trách nhiệm… Biết bao kiến thức mới, tư duy mới mà chúng ta phải cùng nhau tiếp cận và áp dụng sáng tạo, linh hoạt, phù hợp, để từng bước tạo ra giá trị gia tăng mang tính bền vững”.
Qua các chuyến công tác thực tế địa phương, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thường ghi nhận đề nghị hỗ trợ kêu gọi, thu hút doanh nghiệp liên kết tiêu thụ, đầu tư nhà máy chế biến nông sản…
Ông cho rằng, đây là mối quan tâm đúng và cần thiết trong xây dựng chuỗi cung ứng, tiến tới chuỗi giá trị trong Nông nghiệp. Tuy nhiên, từ cách nhìn kinh tế, các nhà đầu tư sẽ đặt ra nhiều câu hỏi: “Quy mô, sản lượng có đủ đáp ứng để xây dựng nhà máy không? Nguồn cung nguyên liệu, nông sản có rải đều quanh năm hoặc có nông sản khác thay thế, phù hợp, để bảo đảm công suất và hoạt động liên tục của nhà máy không? Người nông dân sẵn sàng cam kết tuân thủ đầy đủ, nghiêm túc quy trình canh tác chặt chẽ để nông sản luôn đạt yêu cầu chất lượng không? Người nông dân có thực hiện đúng, đủ hợp đồng mỗi khi giá cả thị trường chênh lệch nhất thời, so với giá cả đã ký kết trước đó?”.
Mỗi câu hỏi đó phải được lãnh đạo ngành nông nghiệp địa phương suy xét, tìm câu trả lời thoả đáng trước khi tiếp xúc, trao đổi với nhà đầu tư. Để cụ thể hoá những mong muốn, định hướng vào thực tiễn ruộng đồng, nền Nông nghiệp cần gỡ dần từng nút thắt “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát”, khơi thông từng điểm nghẽn “chi phí cao, chất lượng thấp”.
“Tôi muốn đề cập đến điều này với suy nghĩ rằng, nếu muốn nền Nông nghiệp trong tương lai phát triển mạnh mẽ, thì không chỉ dựa vào kỹ thuật, khoa học, công nghệ tiên tiến, mà còn phải gắn kết chặt chẽ vào nền tảng vững chắc của kinh tế tập thể, với vai trò cực kỳ quan trọng của hợp tác xã, tổ hợp tác, liên kết, hội quán nông dân – mô hình cố kết cộng đồng dân cư nông thôn”, ông Lê Minh Hoan bày tỏ.
Kinh nghiệm từ nhiều địa phương thành công trong thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp theo chuỗi là đã hình thành được nhiều hợp tác xã hoạt động hiệu quả, đúng thực chất, phát huy tốt vai trò kết nối chặt chẽ, phân phối lợi ích hài hoà.
Người đứng đầu ngành NN-PTNT cho rằng, nhiều báo cáo thẳng thắn chỉ ra những tồn tại của nhiều hợp tác xã nông nghiệp, hạn chế của một số chính sách hỗ trợ hiện hành, bất cập về cách thức phối hợp, trách nhiệm trong công tác quản lý hợp tác xã,…
“Chúng ta cần sâu sát hơn nữa, cùng nhau tìm giải pháp khắc phục. Trong thời gian sớm nhất, Bộ NN-PTNT sẽ trình Chính phủ ban hành những cơ chế, chính sách đủ mạnh hỗ trợ cho hợp tác xã”, ông Lê Minh Hoan cam kết.
Bộ trưởng cũng tái khẳng định mô hình tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong giai đoạn mới cần phải thay đổi. Đó là mô hình nông nghiệp tối ưu hoá chất lượng và giá trị gia tăng, nhờ tích hợp đa giá trị, thay cho nông nghiệp đơn giá trị, ưu tiên sản lượng, thiếu quan tâm đến yêu cầu giảm thiểu chi phí sản xuất. Đó là mô hình nông nghiệp sinh thái, có trách nhiệm trước hết với chính người sản xuất, với người tiêu dùng, với cộng đồng, với môi trường. Đó mô hình nông nghiệp dựa trên chuyển đổi số để điều chỉnh quy trình canh tác, phương thức kinh doanh nông sản, thông suốt dòng chảy kết nối cung – cầu. Đó là mô hình nông nghiệp vừa bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu xuất khẩu, tăng trưởng, vừa trọn vẹn bổn phận đem đến bữa ăn an toàn, dinh dưỡng, ngon lành cho gần trăm triệu người dân Việt Nam.
Chuyển đổi mô hình tăng trưởng đặt ra yêu cầu thay đổi nhận thức, phương thức hoạt động các khối chuyên ngành: trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, bảo vệ thực vật, thú y, khuyến nông, phát triển nông thôn…
Song song với yêu cầu chuyên môn, kỹ thuật, các khối chuyên ngành cần đồng thuận tinh thần sáng tạo, linh hoạt, sẵn sàng đón nhận và thích ứng sự thay đổi liên tục, không ngừng. Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục nghiên cứu đổi mới chức năng, nhiệm vụ, cách thức hoạt động của các cơ quan trong bộ máy của ngành nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu về tính hiệu lực, hiệu quả.
Thực tiễn chỉ ra: sự thay đổi từ đơn vị nhỏ, từ cấp cơ sở bao giờ cũng dễ dàng, thuận lợi hơn, so với đơn vị cấp cao hơn.
“Tôi có niềm tin vững chắc rằng, bằng tất cả trách nhiệm và bổn phận của mình, bằng tinh thần đổi mới, sáng tạo, chủ động dấn thân, không ngại khó khăn, các đồng chí lãnh đạo Sở NN-PTNT từng địa phương sẽ mạnh dạn đề xuất, thí điểm những mô hình độc đáo, hiệu quả, tạo ra sức bật mới cho ngành Nông nghiệp địa phương và đóng góp chung cho hình ảnh năng động của ngành Nông nghiệp cả nước”, ông Lê Minh Hoan tin tưởng.
Cuối cùng, Bộ trưởng nói: “Niềm tin tạo lập hành vi. Hành vi gieo nên kết quả”. Đồng thời kêu gọi sự bền chí, kiên trì, đồng thuận, đồng lòng, chung tay vì một nền Nông nghiệp Việt Nam không chỉ là “trụ đỡ” của nền kinh tế trong những thời điểm khó khăn, mà đủ sức trở thành “thước đo mức độ bền vững của quốc gia”.