6.6 C
New York
Thứ hai, 25 Tháng mười một 2024

Buy now

spot_img

Động lực nào cho tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm?

Từ nay đến cuối năm, trong điều kiện nhiều quốc gia mở rộng sản xuất, nhu cầu nguyên – nhiên vật liệu, phụ tùng đầu vào tăng lên, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng lợi, từ đó tạo lực đẩy cho kinh tế tăng trưởng.

Đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine

Các chuyên gia nhận định, đợt bùng phát dịch thứ 4 có diễn biến phức tạp, quy mô lớn, mức độ lây lan nhanh gây nhiều khó khăn cho phòng, chống dịch, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống của nhân dân ở các trung tâm đô thị lớn và một số khu công nghiệp của Việt Nam. Vì vậy, việc đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine Covid-19 là giải pháp căn cơ, mang tính quyết định quá trình phục hồi kinh tế một cách vững chắc.

Hiện, Việt Nam đang thúc đẩy mạnh mẽ chiến lược vaccine và phấn đấu đến cuối năm 2021, đầu năm 2022 đạt miễn dịch cộng đồng. Cùng với gấp rút triển khai chiến lược vaccine, Việt Nam vẫn phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% đặt ra từ đầu năm.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết, từ nay đến cuối năm, trong điều kiện nhiều quốc gia mở rộng sản xuất, nhu cầu nguyên – nhiên vật liệu, phụ tùng đầu vào tăng lên, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng lợi, từ đó tạo lực đẩy cho kinh tế tăng trưởng.

Cùng với triển vọng xuất khẩu, 6 tháng đầu năm vốn đầu tư nước ngoài từ đăng ký mới và điều chỉnh tiếp tục tăng trên 10% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn giữ “ngôi vương” chiếm 45,7% tổng vốn đầu tư đăng ký cho thấy Việt Nam vẫn đang hấp dẫn các nhà đầu từ nước ngoài.

Đề xuất hàng loạt cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó

Dây chuyền sản xuất đồ gia dụng tại Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội.

Để thúc đẩy khu vực sản xuất kinh doanh trong những tháng cuối năm 2021, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đề xuất Chính phủ một loạt cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó do dịch Covid-19. Cụ thể, Bộ này đề xuất mở rộng đối tượng được giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp gồm hàng không, du lịch, khách sạn, vận tải. Hệ thống ngân hàng giảm từ 3-5% lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới để doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động khôi phục sản xuất kinh doanh…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành cắt giảm tối đa thủ tục hành chính. Khi cần thiết, cấp bách các địa phương có thể nghiên cứu, sử dụng cơ chế của Hội đồng nhân dân để quyết định các vấn đề quan trọng, cấp bách đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả.

Cùng với đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đang hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với tổng trị giá trên 27.300 tỷ đồng. Theo đó, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ để tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất; giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Người lao động được hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề; hỗ trợ tiền khi bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, chấm dứt hợp đồng lao động không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Các hộ kinh doanh cá thể được hỗ trợ khi bị dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phòng, chống dịch… Cơ quan soạn thảo cũng đề xuất có chính sách cho doanh nghiệp vay với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động bị ngừng việc, cho vay trả lương trong thời gian phục hồi sản xuất.

Còn về khơi thông nguồn vốn, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo hệ thống tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, ưu tiên; đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi trong vay vốn tín dụng ngân hàng cho doanh nghiệp và người dân.

Có thể nói, với một loạt chính sách hỗ trợ trên, cùng với sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp, Việt Nam hoàn toàn có khả năng thực hiện được “mục tiêu kép” là vừa ngăn chặn đại dịch vừa đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm.

Nguồn: http://vietq.vn/dong-luc-nao-cho-tang-truong-kinh-te-6-thang-cuoi-nam-d188612.html

0/5 (0 Reviews)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tin mới